HTX Nấm An Hải Đông là một trong những nơi đầu tiên ở Đà Nẵng sử dụng hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời.
Chiếc máy cao chưa đến nửa mét, rộng 1,2m2 với 3 sàn sấy… là một sản phẩm của dự án An Tiêm thuộc Công ty TNHH tư vấn Mãi Mãi Xanh Labs (Evergreen Labs).
Bà Vũ Thị Mùi, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm An Hải Đông cho biết: “Trước đây, HTX sử dụng một máy sấy chạy điện, song hiệu quả mang lại không cao.
Với máy chạy điện, nông sản dễ rơi vào tình trạng bên ngoài thì khô, bên trong vẫn còn ướt. Nếu tăng nhiệt độ lại rất dễ bị cháy. Do đó, chúng tôi chỉ dùng máy sấy điện cho nấm sò vì loại nấm này có thể xé mỏng, còn những loại nấm dày hơn như nấm mèo thì rất khó”. Sau một thời gian, HTX Nấm An Hải Đông chuyển sang phơi nắng các loại nấm.
Bà Mùi chia sẻ: “Chiếc máy đã giúp chúng tôi giải quyết được nhiều vấn đề. Máy sấy được đặt dưới đất, phủ kín nên bảo đảm vệ sinh. Với 12 kilogam nấm mỗi mẻ, chỉ cần 1-1,5 ngày sấy là nấm đã khô hoàn toàn”.
Chị Alison Kwan (người Anh) - người sáng lập dự án An Tiêm cho biết, thông qua các mô hình máy mẫu và các buổi hội thảo, dự án muốn hướng dẫn nông dân Đà Nẵng tự làm và sử dụng hệ thống sấy năng lượng mặt trời của riêng mình.
Giàn sấy có thể giúp giảm độ ẩm trong nông sản từ 70-80%, tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm lên đến 1 năm; đồng thời bảo đảm vệ sinh trong chế biến sản phẩm. Ngoài ra, việc sấy bằng năng lượng mặt trời giúp giảm độ ẩm thực phẩm xuống còn 5-15%, tiết chế hoạt tính và phản ứng của vi sinh vật.
Chính vì vậy, giàn sấy có thể được sử dụng như một công cụ để giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng tuổi thọ của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với những loại cây trồng chỉ thu hoạch một lần trong năm. Hiện nay, dự án An Tiêm đã triển khai mô hình giàn sấy đến HTX Nấm An Hải Đông, một số hộ sản xuất nấm ở huyện Hòa Vang và một HTX chuyên sản xuất trà thảo mộc ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).
An Nhiên (t/h)