Trong nước

Bàn giải pháp phục hồi ngành lâm nghiệp sau bão lũ

Thứ ba, 24/9/2024 | 16:30 GMT+7
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các địa phương.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 23/9/2024, có 13 tỉnh bị thiệt hại về rừng do bão số 3 gây ra, với diện tích là 169.588ha (chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt). Trong đó, 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Hải Phòng 10.045ha; Lạng Sơn 19.729ha; Bắc Giang 26.415ha và Quảng Ninh 110.713ha.

Bão số 3 chủ yếu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính số doanh nghiệp thiệt hại khoảng 200 doanh nghiệp, với số tiền khoảng 40 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, bão số 3 gây ảnh hưởng đến cả chuỗi sản xuất lâm nghiệp, từ cây giống đến phát triển rừng, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả chu kỳ sản xuất trong thời gian tới. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn hiện tại, khôi phục và phát triển rừng trở lại, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu các địa phương tiếp tục thống kê, đánh giá cụ thể về diện tích rừng, cơ sở chế biến gỗ bị thiệt hại do bão số 3 gây ra; xây dựng phương án tiêu thụ gỗ nguyên liệu bị gãy đổ, phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ sớm phục hồi sản xuất.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sở/ngành địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ cần khẩn trương có hoạt động chia sẻ bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; nhanh chóng khôi phục ổn định sản xuất lâm nghiệp cho người dân và doanh nghiệp; trồng lại diện tích rừng bị thiệt hại.

Tại hội nghị, Cục Lâm nghiệp công bố số tiền quyên góp của cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ người dân và công nhân lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra là 1,56 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được các doanh nghiệp, hiệp hội trực tiếp hỗ trợ cho người dân trồng rừng, công nhân các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Bảo Ngọc (T/H)