Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhiều tồn tại vướng mắc tích tụ từ lâu nhưng những năm qua, đặc biệt trong 8 tháng năm 2024, toàn ngành công thương đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng luôn được quan tâm. Ngành điện tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn và lưới điện lớn đi vào hoạt động, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Vấn đề vận hành hệ thống điện và xây dựng thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được chú trọng theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về điều tiết hoạt động điện lực công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao với tốc độ hai con số (trừ năm 2023 do trường toàn cầu suy thoái).

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm việc với Bộ Công Thương
Bên cạnh đó, các công tác khác như hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường trong nước; thương mại điện tử; quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại; quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa; xúc tiến thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… đều được tăng cường, đổi mới và hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương cũng đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đảm bảo đủ điện là thách thức lớn sau nhiều năm không được bổ sung nguồn điện mới. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển điện năng theo Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng quốc gia gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính. Thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế.
Đồng thời, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024. Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành ứng phó, giảm thiểu, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, sớm cung cấp điện trở lại, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cùng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
Hai là, tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngành công thương cần khẳng định và phát huy vai trò chủ lực. Trong đó, xây dựng được các quy chế, quy định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, thí điểm dự án năng lượng tái tạo… Tập trung điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch, triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, phát triển các dự án có hiệu quả.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tiếp tục thúc đẩy cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".