Trong nước

Băn khoăn năng suất lao động Việt Nam còn quá thấp

Thứ hai, 12/8/2019 | 09:00 GMT+7
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động (NSLĐ) của các nước.

Trong phiên hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia" mới diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố rằng, tính đến năm 2018, chỉ số NSLĐ xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, riêng giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, NSLĐ nước ta đạt 11.142 USD, chỉ bằng: 7,3% NSLĐ của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia"

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu lên một số thách thức rất lớn trong nền kinh tế khi NSLĐ quá thấp. Theo ông, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý như ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội. Hay năng lực và tiềm lực về khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, còn ở mức hạn chế; số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp chưa cao.

Từ số liệu cụ thể này, Bộ trưởng đưa ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện NSLĐ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới, đồng thời, đặt mục tiêu phát triển cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại hội nghị

Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn. Tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%. Trong 5 năm qua, tăng trưởng TFP luôn đạt mức trên 1,5%, mức khá cao kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Tăng trưởng TFP giai đoạn 2018 - 2023 kỳ vọng đạt mức bình quân từ 1,8% trở lên, cao hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế nào của Việt Nam kể từ sau đổi mới (năm 1986)”.

Thủ tướng đồng tình với những nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao, từ đó chỉ ra mục đích cấp thiết phải cải cách cùng với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam.
 

Thanh Tâm