Trong nước

Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ

Thứ ba, 30/7/2024 | 11:26 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 5427/BNN-ĐĐ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hai ngày 30 - 31/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40 - 120mm, cục bộ có nơi hơn 200mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 10 - 30mm, cục bộ có nơi hơn 70mm.

Khu vực Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời có mây, có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2 - 3.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, riêng chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2 - 3.

Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, gây sức ép nên hệ thống đê điều tại nhiều địa phương. 

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã gây lũ trên mức báo động 1, báo động 2, có nơi trên báo động 3 trên hệ thống các sông; nhiều tuyến đê bị ngâm nước dài ngày, trong đó có một số tuyến đê đã xảy ra sự cố gây mất an toàn đê.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát các tuyến đê trên địa bàn, xác định vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố đê để triển khai phương án bảo vệ, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời hộ đê, xử lý sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu.

Tổ chức, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN. Xác định các vị trí đê đã xảy ra sự cố là trọng điểm xung yếu năm 2024, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm. Đồng thời, tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân, giải pháp xử lý phù hợp và huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp, bảo đảm ổn định lâu dài cho các tuyến đê.

Lâm Bảo (T/H)