Trong nước

Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông chia sẻ những nghiên cứu về chính sách nông nghiệp

Thứ năm, 15/8/2024 | 15:53 GMT+7
Ngày 15/8, tại Hà Nội, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án Mạng lưới nghiên cứu, tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông (NARDT).

Dự án có 2 hợp phần chính gồm thành lập các mạng lưới chia sẻ, nghiên cứu tư vấn chính sách, trong đó hỗ trợ việc thành lập, vận hành mạng lưới NARDT cấp khu vực, quốc gia và tăng cường chia sẻ kiến thức, năng lực nghiên cứu, đối thoại chính sách nhằm hỗ trợ thực hiện các kế hoạch hành động của mạng lưới vùng quốc gia, trong đó giúp chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực, tiến hành các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, dự án NARDT đã hỗ trợ Bộ NN&PTNT và Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, đánh giá tình hình dịch Covid-19, từ đó giúp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế; xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 150 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xây dựng chiến lược cho các ngành thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; xây dựng chính sách về bảo hiểm và tái bảo hiểm, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ngành NN&PTNT đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, trong đó coi trọng tiến trình hợp tác khu vực. Do đó, việc xây dựng cơ chế chính sách thông qua dự án NARDT đã góp phần tạo ra những kết quả tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, không chỉ giới hạn chính sách trong nước, Việt Nam cũng quan tâm và đóng góp vào những vấn đề mang tầm khu vực, có ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Vì vậy, việc các nước trong vùng cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm về chính sách NN&PTNT có ý nghĩa thiết thực. Sau 5 năm triển khai, với viện trợ của IFAD và sự tích cực phối hợp giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, dự án đã tăng cường sự hợp tác, tạo điều kiện để các bên liên quan tham gia rộng rãi vào quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách NN&PTNT, tạo ra mạng lưới nghiên cứu chính sách từ Chính phủ đến tư nhân.

Tại hội thảo, ông Sen Sovann, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho biết, nông nghiệp tại những nước tiểu vùng sông Mê Kông có nhiều điểm tương đồng. Việc triển khai dự án NARDT đã giúp tăng cường chính sách, tập hợp tri thức trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Bên cạnh đó giúp chia sẻ về văn hóa, hợp tác giữa con người, tăng cường hỗ trợ nông dân trong vùng cũng như “chuyển hóa” giá trị thành thành quả thực tế.

Ông Sen Sovann mong muốn được học hỏi và chia sẻ các nghiên cứu, chính sách hiệu quả của Việt Nam về an ninh lương thực, phát triển chuỗi giá trị, mô hình nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp đảm bảo sinh kế người dân trong khi vẫn bảo vệ môi trường.

Khả Như (T/H)