Trong nước

Chỉ số tự do kinh doanh của Việt Nam tiếp đà khởi sắc

Thứ tư, 18/3/2020 | 15:22 GMT+7
Quỹ Di sản (Mỹ) vừa công bố báo cáo chỉ số tự do kinh doanh các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam tăng 23 bậc, xếp thứ 105 trên thế giới.

Báo cáo chỉ số tự do kinh tế 2020 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam, khẳng định tốc độ cải thiện khả quan của chỉ số tự do trong kinh doanh. 

Điểm chỉ số tự do kinh doanh của Việt Nam năm 2020 là 58,8 điểm, đứng thứ 105 trên thế giới. Theo báo cáo, chỉ số này đã tăng 3,5 điểm so với năm 2019, giúp thứ hạng của Việt Nam tiến 23 bậc.

Việt Nam xếp hạng 21 trong số 42 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Báo cáo đánh giá: "Khởi sự kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn, và chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và việc thực thi luật lao động vẫn còn yếu. Kiểm soát ổn định giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng và nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm”.

Việt Nam tiếp tục tăng điểm chỉ số tự do kinh doanh

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Trước đó, tạp chí US News & World Report cũng công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018.

US News & World Report đánh giá rằng, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn. Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hội nhập hơn khi trở thành thành viên của các hiệp định thương mại lớn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng khuyến nghị để tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường thương mại quốc tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo cũng khuyến cáo cần tăng cường cải cách thể chế, cải cách hệ thống tư pháp.

Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Thúc đẩy phát triển một số ngành có sức lan tỏa lớn hoặc còn nhiều dư địa như công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất phần mềm, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, năng lượng, du lịch…
 

Quỳnh Ngọc (T/H)