Trong nước

Đánh giá tiến trình thực hiện CPTPP ở Việt Nam trong 1 năm qua

Thứ tư, 19/2/2020 | 17:04 GMT+7
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 14/01/2019 đã tạo nên xung lực mới cho phát triển thương mại, đầu tư, đẩy mạnh cải cách kinh tế nhưng cũng cho thấy mặt yếu kém về năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo Thực hiện hiệu quả hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Xuyên suốt hội thảo, các chuyên gia lần lượt nhấn mạnh những tác động tích cực cũng như nêu bật nhiều thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong tiến trình thực hiện hiệp định CPTPP.

Tác động nhiều

Kể từ khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam liên tục mở rộng cả về quy mô thị trường và mặt hàng. Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu trung bình hàng năm giai đoạn 2007 – 2019 tương ứng là 15,6% và 14,2%. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định đạt 34,4 tỷ USD (tăng 8,3%), kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD (tăng 1%).

Kết quả tính toán các chỉ số thương mại cho thấy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, chè, cà phê, hàng mây tre và may mặc. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Hàng hóa xuất khẩu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Mỹ...

Các ngành hàng thủ công Việt Nam có trình độ và lợi thế lớn so với các nước đối tác

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam đạt khoảng 39% trong năm 2018 - 2019. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phát triển vững chắc. Trong giai đoạn 2010 - 2019, thu hút FDI của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký, và 7,4%/năm về vốn thực hiện. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, trong đó có lúc đạt mức 20,4 tỷ USD năm 2019.

Thách thức lớn

Lao động – việc làm của Việt Nam so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP có xu hướng già hóa ngày càng rõ nét, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật còn bất cập, cơ cấu việc làm chưa thực sự bền vững, trong khi CPTPP đặc biệt nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động.

Không gian chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước đã hạn hẹp hơn rất nhiều. Ngoài hỗ trợ về mặt tài chính thì hỗ trợ về mặt chính sách cũng là vấn đề khó nói. Cụ thể, hàng rào về kỹ thuật tạo ra chi phí lớn, đi ngược lại quá trình cải cách, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Hiệu quả thu hút FDI chất lượng cao còn hạn chế. Các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP, tuy nhiên, FDI còn tập trung nhiều ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sử dụng công nghệ trung bình, giá trị gia tăng trong nước thấp.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, Viện đã từng đề xuất ra một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế doanh nghiệp FDI buôn bán nhập lậu ở bên ngoài, cũng đồng nghĩa FDI phải có động lực mua nhiều hơn ở doanh nghiệp trong nước. Nhưng khi vừa đề xuất một biện pháp kỹ thuật thì nhiều cơ quan cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Anh Dương phát biểu tại hội thảo

Các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo đã chia sẻ những phân tích, đánh giá của CIEM về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong thực hiện CPTPP. Đặc biệt, Chính phủ cần củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng cần cân nhắc những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại, đầu tư, các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, chính sách ngành công nghiệp… song song với những định hướng chung như ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền kinh tế thị trường.

Thanh Bảo