Ngày 9/7, Diễn đàn công nghiệp xanh 2025 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững”. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức.
Theo ban tổ chức diễn đàn, sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế với ngành công nghiệp đóng góp khoảng 35% GDP và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường và sử dụng tài nguyên.
Đáng chú ý, trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh đã bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ thì công nghiệp xanh – vốn là trụ cột sản xuất quốc gia vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero đến năm 2050.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh – bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.

Phát triển công nghiệp vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao vừa tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe. (Ảnh minhh họa)
Diễn đàn công nghiệp xanh 2025 được tổ chức với bốn mục tiêu chính: tái định nghĩa khái niệm tăng trưởng xanh trong công nghiệp, làm rõ cách thức áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào thực tiễn sản xuất công nghiệp của Việt Nam; phân tích sâu sắc về xung đột và tiềm năng hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng cao và yêu cầu phát triển bền vững, từ đó tìm ra con đường cân bằng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; đề xuất các mô hình tăng trưởng bền vững cụ thể và khả thi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó mô hình các khu công nghiệp thế hệ mới đang nổi lên như một hạ tầng tuần hoàn lý tưởng nhất; thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp xanh một cách thực chất và hiệu quả.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm phát thải. Điều này chứng minh rằng việc vừa tăng trưởng cao vừa giảm phát thải không phải là điều bất khả thi. Việc Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã thể hiện rõ mong muốn tham gia vào xu hướng này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn này, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh và điều chỉnh mô hình tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, từ cấp doanh nghiệp đến tầm vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, từ năm 2025 trở đi, Việt Nam phải bắt đầu có những nỗ lực lớn mới có thể đạt được mục tiêu Net Zero. Trong đó, vai trò của ngành năng lượng là cực kỳ quan trọng. Giai đoạn 2018 – 2020, chúng ta từng có bước tiến tích cực trong phát triển điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, quá trình này sau đó bị chững lại do các vấn đề về chính sách và quy hoạch.
Ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ: Từ nay trở đi, giảm phát thải từ năng lượng sẽ vẫn là trọng tâm. Đặc biệt, tôi cho rằng việc xem xét khởi động lại điện hạt nhân là cần thiết, vì đây là nguồn điện nền ổn định, công suất cao mà không phát thải CO2.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, ngoài năng lượng, cần phát triển công nghiệp và nông nghiệp xanh. Đối với công nghiệp, cần áp dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao vừa tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe. Giải pháp không phải là đánh đổi mà là hài hòa, bằng cách áp dụng công nghệ xanh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, đổi mới mô hình sản xuất và xây dựng hệ thống thu gom – tái chế chất thải công nghiệp hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến nghị chiến lược phát triển công nghiệp cần hội tụ đủ bốn yếu tố: định vị công nghiệp xanh là trọng tâm phát triển quốc gia; xây dựng thể chế và tín dụng xanh đủ mạnh; phát triển công nghiệp hỗ trợ có năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy thị trường carbon nội địa, mở rộng nguồn vốn xanh, đa dạng hóa chương trình tín dụng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học.