Kinh tế xanh

Ứng dụng công nghệ xanh thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 3/7/2025 | 11:25 GMT+7
Công nghệ xanh và minh bạch thông tin cần được biến thành những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn với sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, hướng tới một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.

Trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, ngày 2/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh”.

Diễn đàn xoay quanh hai chủ đề trọng tâm: “Công nghệ xanh - Chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững” và “Minh bạch thông tin - Nền tảng bảo vệ người tiêu dùng”.

Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hành vi tiêu dùng là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất bền vững, góp phần kiến tạo “kỷ nguyên xanh” cho Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành khung pháp lý và chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, đa dạng hóa nguồn sản phẩm xanh. Tuy nhiên, mức độ, quy mô, phạm vi thực hành tiêu dùng bền vững còn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan để thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành động.

Hành vi tiêu dùng là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất bền vững. (Ảnh minh họa)

Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu tập trung thảo luận về hai chủ đề mang tính chiến lược và thiết yếu trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Thứ nhất là “Công nghệ xanh - Chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Theo đó, công nghệ không chỉ là “chiếc gậy phép” hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất, kinh doanh hiện đại.

Thứ hai là “Minh bạch thông tin - Nền tảng bảo vệ người tiêu dùng”. Trong một thị trường ngày càng đa dạng với vô số lựa chọn, việc trang bị đầy đủ thông tin là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm có trách nhiệm và bền vững. Chủ đề này được lựa chọn nhằm khẳng định quyền được thông tin của người tiêu dùng và từ đó xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin trung thực, góp phần xây dựng lòng tin, kiến tạo một thị trường công bằng, lành mạnh.

Sự minh bạch về thông tin sản phẩm không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là công cụ hữu hiệu để phân biệt sản phẩm bền vững, từ đó định hướng và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn khẳng định, công nghệ xanh đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và từng bước hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, minh bạch thông tin được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn có trách nhiệm, đồng thời đóng vai trò nền tảng trong việc gây dựng niềm tin thị trường và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh, bền vững.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, diễn đàn đã củng cố nhận thức về tầm quan trọng của sự hợp tác đa chiều, lấy người tiêu dùng làm trung tâm trong mọi chính sách và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông nhấn mạnh, công nghệ xanh và minh bạch thông tin cần được biến thành những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn với sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, hướng tới một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.

Nhã Quyên