Trong nước

Đột phá chiến lược về cải cách thể chế, quyết tâm tháo gỡ những ách tắc kéo dài nhiều năm

Thứ tư, 18/8/2021 | 01:15 GMT+7
NLSVN - Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải ưu tiên đầu tư cho công tác này cả về lãnh đạo, chỉ đạo, con người, vật chất, thời gian, công sức, điều kiện, chế độ, chính sách… sao cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giải quyết những ách tắc, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế đã kéo dài nhiều năm qua.

Ngày 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật (tháng 8 năm 2021) để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng Phạm Minh chủ trì phiên họp Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua. Sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì nhắc nhở, nhắc nhở nhiều lần không được thì xử lý. Trong điều kiện hiện nay, khó khăn, thách thức nhiều hơn rất nhiều so với thời cơ và thuận lợi, nếu thời cơ có sẵn mà không tận dụng thì làm sao bứt phá được. Bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bộ, cơ quan, địa phương cần phát huy tinh thần tự giác, tranh thủ và tận dụng mọi thời cơ, phát huy tối đa tinh thần vì hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, vì quốc gia dân tộc, vì sự phát triển của ngành mình, bộ mình, địa phương mình, góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ”.

Về một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các cơ quan, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương vào cuộc trên tinh thần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa, đưa vào quy định. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng, tạo đồng thuận thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Một nguyên tắc khác là làm có trọng tâm, trong điểm, lựa chọn làm trước những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ, quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển. Nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật này, triển khai các bước theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chủ trì xử lý các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tích cực phối hợp để Bộ Tư pháp chọn lọc, tổng hợp. Không thể giải quyết được tất cả các ách tắc ngay trong một lúc, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý trong thời gian tới.

Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu giảm thiểu các thủ tục hành chính. có công cụ kiểm soát việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Không mở mới thêm cơ sở đào tạo nhân lực về kinh doanh bảo hiểm, nếu cần thiết thì bổ sung thêm chuyên ngành tại các cơ sở đã có.

Liên quan tới quy định về bảo hiểm y tế trong dự án luật, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm lợi ích của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định sự ưu việt của chế độ. Ông nhắc lại quan điểm không hy sinh an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tinh thần này cần được quán triệt trong việc xây dựng các dự án luật.

Thủ tướng Chính phủ: Tần số là tài nguyên quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Ảnh: Nhật Bắc.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Thủ tướng nêu rõ, tần số là tài nguyên quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, chiến tranh trên không gian mạng rất khốc liệt, nếu không làm chủ không gian mạng thì sẽ bị lúng túng, bị động, bất ngờ khi có chiến tranh. Trên thế giới, đã có quốc gia thất bại, sụp đổ do thất bại trên không gian mạng.

Do đó, tần số phục vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, quốc phòng phải được ưu tiên bảo đảm tối đa. Còn tần số phục vụ thương mại không thuộc lĩnh vực an ninh - quốc phòng thì tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đấu thầu, đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổng kết kinh nghiệm trong nước sau 35 năm đổi mới, vừa bảo đảm an ninh-quốc phòng, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, vừa tuân thủ các cam kết quốc tế.

Hòa Bình