Thông tin này được các nguồn tin của Reuters xác nhận. Hành động mua tín chỉ carbon được thực hiện theo Thỏa thuận Paris, giúp Liên minh châu Âu (EU) tính lượng cắt giảm CO2 ở nước khác, ví dụ hoạt động phục hồi rừng ở Brazil, vào mục tiêu khí hậu của họ.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Giải pháp này nằm trong số các lựa chọn được Wopke Hoekstra, Ủy viên khí hậu EU thảo luận với các quốc gia thành viên và nhà lập pháp của khối. EU đã bỏ lỡ thời hạn công bố mục tiêu khí hậu 2040 vào tháng trước, đồng thời vấp phải sự phản đối về chương trình nghị sự xanh.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện than Neurath, gần Grevenbroich, Đức, ngày 2/11/2022
Một số quốc gia thành viên và nhà lập pháp cho rằng các quy tắc xanh của khối gây tổn hại đến ngành công nghiệp trong nước, vốn đang chao đảo vì thuế quan của Mỹ và hàng nhập khẩu giá rẻ.
Tín chỉ carbon bù trừ cũng là giải pháp để EU nới mục tiêu khí hậu cho các ngành công nghiệp trong nước. Peter Liese, một thành viên cấp cao của Nghị viện châu Âu nhận định, mục tiêu giảm 90% khí nhà kính vào năm 2040 so với năm 1990 là quá tham vọng, gây quá tải cho các ngành công nghiệp.
Một phát ngôn viên của EU từ chối xác nhận giải pháp mua tín chỉ carbon quốc tế. Hơn chục năm trở lại đây, sàn EU chỉ giao dịch nội khối. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một bước ngoặt bởi EU là thị trường tín chỉ carbon tuân thủ đắt nhất thế giới, đang giao dịch ở mức giá 62,4 EUR mỗi tấn CO2 (tương đương 68,4 USD). Mỗi tấn CO2 được giao dịch với mức 41,5 USD ở Anh, 55,5 USD ở New Zealand và 12,8 USD ở Trung Quốc.
Tín chỉ carbon là công cụ tài chính giúp đạt mục tiêu khí hậu, đồng thời hỗ trợ cho các dự án giảm phát thải ở các quốc gia đang phát triển. Giới quan sát cho rằng động thái này có thể củng cố vị thế của EU trong đàm phán quốc tế về khí hậu với các quốc gia đang phát triển có dự án tạo tín chỉ CO2.
Thực tế, sàn tín chỉ carbon EU (ETS) được vận hành từ năm 2005, từng mở giao dịch cho các tín chỉ quốc tế. Tuy nhiên, loại hàng hóa này vướng nhiều bê bối về gian lận, thiếu tính toàn vẹn về môi trường, khi các dự án tạo tín chỉ không mang lại lợi ích khí hậu như tuyên bố.
Đến năm 2013, sàn tín chỉ EU đã ngưng giao dịch với quốc tế, chỉ mua bán nội khối, sau khi một loạt tín chỉ giá rẻ ảnh hưởng tới thị trường. Tại hội nghị khí hậu COP29 cuối năm 2024, các nước đã đạt thỏa thuận về quy tắc cho một thị trường carbon toàn cầu, đảm bảo tính tin cậy, kỳ vọng huy động được hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của trái đất.