Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại chương trình
Tính đến năm 2025, Việt Nam đã ký kết và đàm phán tổng cộng 20 FTA, trong đó có 16 FTA đang thực thi, gồm nhiều hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Những FTA này đã mở ra cánh cửa thương mại với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.
Nhờ tận dụng các FTA, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong Top 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD – ghi nhận năm xuất siêu thứ 9 liên tiếp. Riêng năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 52,1 tỷ USD (tăng 19,3%), sang Canada đạt khoảng 7,5 tỷ USD (tăng 22,7%). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan FTA của doanh nghiệp đạt khoảng 37%.
Tuy nhiên, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, việc khai thác FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn thiếu thông tin và kỹ năng thực thi như quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế. Ngoài ra, hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe, trong khi tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành vẫn thấp, làm giảm khả năng hưởng ưu đãi.

Toàn cảnh Diễn đàn
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ với Mỹ, do Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành điều phối. Ông Trịnh Minh Anh cho rằng, ngoài đàm phán, Việt Nam cần nỗ lực khai thác hiệu quả các FTA hiện có, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống.
Để tận dụng tốt FTA, ông khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường trong từng FTA; tham gia các hội thảo, khóa tập huấn; nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, liên kết chuỗi cung ứng và phối hợp với hiệp hội ngành hàng để ứng phó rủi ro.
Ông Trịnh Minh Anh kết luận: “FTA chính là cánh cửa để Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng để thành công, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cho mình hướng đi phù hợp và khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước”.