Kinh tế xanh

Xây dựng và triển khai chiến lược huy động tài chính cho tăng trưởng xanh

Thứ năm, 17/4/2025 | 14:30 GMT+7
Ngày 17/4, phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định, tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu bức thiết để phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là phải chuyển mạnh mẽ sang định hướng tăng trưởng xanh.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong định hướng tăng trưởng xanh thông qua việc tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, trong đó quan trọng nhất là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tham gia tích cực các diễn đàn về phát triển bền vững, các Hội nghị COP hàng năm với cam kết hết sức có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Quang cảnh phiên thảo luận

Để triển khai hiệu quả, thực chất các cam kết toàn cầu ở quy mô quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và quyết liệt tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Một trong những kết quả nổi bật nhất trong định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam là trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, đạt 564 nghìn tỷ đồng năm 2023, chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Kết quả của các nỗ lực quốc gia nêu trên thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm và quyết liệt của Việt Nam trong tiến trình tăng trưởng xanh toàn cầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng để các cam kết toàn cầu đạt được các kết quả tích cực, thực chất, các quốc gia cần tham vấn chính sách, phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, sự phối hợp để xây dựng và triển khai chiến lược huy động tài chính cho tăng trưởng xanh phù hợp với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong tiến trình đó, việc định vị lại sứ mệnh và vai trò của các định chế tài chính quốc gia trong cấu trúc toàn cầu cần được xác định là giải pháp ưu tiên mang tính đột phá. Các định chế tài chính quốc gia ngoài việc cần được tăng cường hơn nữa vai trò điều phối chính sách tài chính, còn cần được trao sứ mệnh tiên phong trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực cho các dự án xanh thông qua việc phát triển và triển khai mạnh mẽ các biện pháp để phát triển thị trường tài chính xanh, bao gồm việc thúc đẩy việc phát hành trái phiếu xanh, các công cụ tài chính bền vững và phát triển các sản phẩm tài chính hỗ trợ cho các sáng kiến xanh.

Các định chế tài chính quốc gia cũng cần được xác định là thể chế trung tâm trong phối hợp liên ngành, liên quốc gia nhằm tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào những dự án xanh, bao gồm chính sách ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp về tài chính để giúp các dự án này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu, Thứ trưởng cũng cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để cùng thảo luận về định hướng hoàn thiện, trong đó tiếng nói của các quốc gia đang phát triển cần được lắng nghe và thể hiện trong các cam kết thu xếp tài chính toàn cầu.

Tại phiên thảo luận, đại biểu đã thảo luận những nội dung như kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển thị trường tài chính xanh, những mô hình, chính sách và sáng kiến đã được triển khai thành công tại các quốc gia, cũng như bài học kinh nghiệm từ thách thức mà chúng ta đã và đang đối mặt. Bên cạnh đó là những giải pháp khắc phục các rào cản về kỹ thuật, pháp lý và thị trường, những khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các thị trường tài chính xanh, cũng như cách thức để vượt qua các rào cản này nhằm tăng cường khả năng huy động vốn cho các dự án xanh.

Cùng với đó là những vấn đề về chính sách tài chính thu hút đầu tư từ khu vực công và tư nhân: làm thế nào để xây dựng các chính sách tài chính hiệu quả, tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, không chỉ từ khu vực công mà còn từ khu vực tư nhân để tối đa hóa nguồn lực cho chuyển đổi xanh.

Nhận định về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, các diễn giả nêu ra những rào cản như thiếu hệ thống phân loại rõ ràng; cần cải cách chính sách tài chính như ưu đãi thuế, điều chỉnh trần tín dụng, miễn hoặc giảm dự trữ bắt buộc cho tín dụng xanh và khung pháp lý rõ ràng cho phát hành trái phiếu xanh.

Phiên thảo luận đã ghi nhận sự thống nhất cao về việc cần hoàn thiện cấu trúc tài chính toàn cầu và tăng cường vai trò của các định chế tài chính quốc gia trong thúc đẩy thị trường tài chính xanh.

Bốn ưu tiên chính sách được các đại biểu đề xuất gồm: hoàn thiện thể chế tài chính quốc gia và toàn cầu; thúc đẩy đổi mới sản phẩm tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác công – tư; nâng cao minh bạch, giám sát tài chính xanh.

Đức Dũng (t/h)