Kinh tế xanh

Phát triển cà phê bền vững gắn bảo vệ môi trường

Thứ bảy, 12/4/2025 | 08:20 GMT+7
Tiềm năng lớn nhưng ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm.

Chiều 11/4, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức Hội thảo về “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam” với 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất cà phê. Đây là dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai qua tài trợ của Tổ chức diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam.

150 đại biểu đã tham gia Hội thảo 

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời đóng góp đáng kể vào thu nhập của các hộ gia đình. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có hơn 709 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm hơn 656 nghìn ha với năng suất cà phê nhân bình quân 2,97 tấn/ha diện tích cho sản phẩm, sản lượng đạt hơn 1,95 triệu tấn  và tổng sản lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 4,06 tỉ USD, tăng 13,8 % về sản lượng và tăng 32% về giá trị so với năm 2021. 

Vấn đề đặt ra là quản lý chất thải trong ngành cà phê

Quản lý chất thải trong ngành cà phê ở Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế do nhận thức của người dân, công nghệ xử lý chưa đồng bộ và thiếu các chính sách hỗ trợ. Chất thải từ sản xuất cà phê (vỏ quả, bã cà phê, nước thải chế biến, bao bì phân bón, thuốc BVTV...) đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường (do nước thải chế biến ướt và rửa hạt), suy thoái đất (do sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV không hợp lý làm mất cân bằng hệ vi sinh vật), và phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O từ quá trình chế biến và vận chuyển).

Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê lớn nhất nước nhưng thực tế cho thấy, tập quán trồng xen cà phê với cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mắc ca,...đã làm tăng nguy cơ nhiễm chéo các loại thuốc BVTV, gây phực tạp cho việc kiểm soát dư lượng thuốc tối đa trong hạt cà phê, đặc biệt khi các thị trường nhập khẩu ngày càng có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, tình trạng bao bì phân bón, thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường đất và nước.

Nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi tại Hội thảo

Hướng đến của dự án là nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, nông dân, người sản xuất cà phê và các đối tác liên quan về thực trạng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, nắm vững các biện pháp thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê; nâng cao vai trò trách nhiệm trong sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, nước tưới,…).

Thời gian qua, hàng ngàn lượt người đã được tiếp cận với các biện pháp kiểm soát dịch hại và quản lý cỏ dại thay thế tốt nhất thông qua các hoạt động. Cụ thể, tập huấn về bồi dưỡng về thực hành quản lý cỏ dại tiên tiến nhất và thực hành canh tác cà phê tốt, vệ sinh sức khỏe và an toàn lao động cũng như đào tạo kỹ năng; hội thảo tham vấn với các bên liên quan để tìm giải pháp và chia sẻ trách nhiệm thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê; toạ đàm truyền thông để phổ biến các kết quả và tác động của dự án.

Hướng đến nền sản xuất cà phê bền vững

Mục tiêu đặt ra là xây dựng một nền sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về canh tác xanh, an toàn từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự án đã triển khai đến  các đối tượng liên quan trong chuỗi sản xuất cà phê tại Tây Nguyên về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và quản lý chất thải. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổ chức diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam và các đơn vị tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động của dự án.

Các đại biểu đều rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến cà phê  

Quá trình triển khai dự án, các chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt bà con nông dân đã trao đổi thẳng thắn, chia sẻ và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung sát với thực tiễn sản xuất cà phê. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều là việc xử lý chất thải trong sản xuất cà phê không được thực hiện đúng cách sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước và đất.

Tính thiếu vền vững trong sản xuất cà phê do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, tình trạng bao bì phân bón, thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom và xử lý triệt để theo quy định vẫn còn phổ biến; việc bón phân mất cân đối, lạm dụng thuốc BVTV vẫn là những vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến ngành hàng cà phê Việt Nam.

Cà phê bền vững phụ thuộc từ nhiều phía

Một nền sản xuất cà phê bền vững, trong đó gắn chặt việc bảo vệ môi trường đang đặt ra yêu cầu, vai trò, trách nhiệm từ nhiều phía. Với cơ quan quản lý, đó là các chính sách hỗ trợ cụ thể; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong trong sản xuất, chế biến và lưu thông thuốc BVTV; hỗ trợ, xây dựng, khuyến khích và nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm về mô hình cà phê sạch và thân thiện với môi trường 

Hệ thống khuyến nông có vài trò tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các bên về chuyển đổi từ sản xuất truyền thống lạm dụng các vật tư đầu vào, chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất cà phê theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững. Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn; phát huy vai trò mạng lưới khuyến nông cộng đồng tại các địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Đó còn là vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu, nghiên cứu và chuyển giao các đề tài giảm phát thải khí nhà kính; các quy trình kỹ thuật sản xuất và tái canh cà phê bền vững.

Đại biểu nghe doanh nghiệp giới thiệu về sản phẩm cà phê chất lượng

Với người sản xuất cà phê, nâng cao nhận thức và chủ động áp dụng các biện pháp sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm; tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp- IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp- IPHM, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để thay thế, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học…

Và cuối cùng là các tổ chức và doanh nghiệp cần hỗ trợ nông dân tiếp cận các giải pháp sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, an toàn và hiệu quả; đầu tư công nghệ và giải pháp xử lý chất thải trong sản xuất và chế biến cà phê; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê bền vững.

Minh Đạo
: caphesach