So với cùng kỳ 2022, số vụ vi phạm tăng 8 vụ, với nhiều hình thức trộm điện tinh vi hơn. Đây là hành động vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho tính mạng con người, cần được ngăn chặn và đẩy lùi.
Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, bị nghiêm cấm trong Luật Điện lực. Trộm cắp điện rất nguy hiểm có thể gây ra tai nạn chết người do sử dụng điện không an toàn và mức độ xử lý khắc phục hậu quả rất nặng, đã được qui định tại Khoản 15, Điều 2, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, ngày 31/01/2022 (sửa đổi Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ- CP). Trường hợp trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4, Điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đơn cử ngày 08/6/2023, toà án Nhân dân Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự khách hàng sử dụng điện với tội danh “trộm cắp tài sản”. Khách hàng tên T.T.H đã thuê người thực hiện hành vi trộm cắp điện với sản lượng điện trộm cắp là 1.402 kWh điện, tương đương 4.103.654 đồng. Với hành vi lấy trộm điện đã được toà tuyên án phải hoàn trả lại cho bên bị hại là Tổng công ty Điện lực miền Nam toàn bộ số lợi bất hợp pháp từ trộm cắp điện, tịch thu tang vật phương tiện gây án và xử phạt cải tạo 01 năm 06 tháng không giam giữ.
Trước đó, ngày 24/4, Điện lực Châu Đức (thuộc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã phát hiện khách hàng T.T.C tự ý dùng 1 đoạn dây câu trực tiếp vào pha trước công tơ điện, đầu dây còn lại được đấu vào cầu dao đặt trong nhà và sử dụng cho một số thiết bị điện mà không qua công tơ. Khi đoàn kiểm tra tiến hành tách pha lửa tại cầu dao tổng, thì một số thiết bị diện trong nhà vẫn hoạt động bình thường mà không qua công tơ điện.
Theo bà C trình bày, khoảng tháng 11/2022, bà có gọi thợ hàn tới sửa chữa nhà. Sau đó thợ hàn đấu dây điện trước công tơ nhưng bà không biết như thế là vi phạm. “Vì không biết hành vi câu móc trộm điện là sai nên tôi đã vi phạm. Tôi sẽ không bao giờ tái phạm, mong cơ quan chức năng giảm nhẹ mức phạt”, bà C. nói.
Ngày 25/4, Điện lực Châu Đức đã tính toán sản lượng điện trộm cắp của bà C là 5.144 kWh tương đương số tiền bồi thường cho Điện lực Châu Đức gần 15 triệu đồng, Điện lực Châu Đức đã hoàn tất hồ sơ vi phạm chuyển cho Cơ quan thẩm quyền xử phạt theo qui định của pháp luật.
Qua xác minh vụ việc, Thanh tra Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng do giá trị sản lượng điện trộm cắp gần 15 triệu đồng thuộc hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên. Cho nên vụ việc phải chuyển hồ sơ đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 9, Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực được sửa đổi bổ sung tại Khoản 15, Điều 2, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ. Do đó, Thanh tra Sở Công Thương tỉnh đã chuyển hồ sơ vi phạm của bà C đến Công an huyện Châu Đức để xử lý theo thẩm quyền.
Do đó, trường hợp khách hàng phát hiện có tổ chức, cá nhân mời chào bán các thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc, các công cụ, thiết bị với mục đích trộm cắp điện hoặc thực hiện hành vi trộm cắp điện, vui lòng liên hệ ngay đến Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam qua số điện thoại 19001006 hoặc 19009000 để được hướng dẫn ngăn chặn kịp thời.
Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều này.
|
Hành vi câu móc để sử dụng điện bất hợp pháp, không qua công tơ điện (dây màu đen và dây màu vàng lấy điện sử dụng mà không qua công tơ)
Hành vi sử dụng 2 đoạn dây điện màu xanh nối tắt cọc số 1 với số 2; cọc số 3 với số 4 để lấy cắp điện không qua công tơ