Kinh tế xanh

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam

Thứ bảy, 29/3/2025 | 09:37 GMT+7
Ngày 28/3, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Hội nghị về xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, hội nghị này là sự kiện tiếp nối mang tính chuyên sâu trong chuỗi hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư và huy động vốn quốc tế do Bộ Tài chính chủ trì; thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại châu Á - khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay đã xuất hiện và hình thành các trung tâm tài chính mới như Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta. Việt Nam với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, đang đứng trước “cơ hội vàng” để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.

Việt Nam có một số lợi thế đặc thù để hình thành trung tâm tài chính đó là: vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch; là một trong những thị trường dẫn đầu về tỉ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai.

Trong những năm gần đây, TPHCM được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các trung tâm tài chính mới nổi toàn cầu; trong khi đó, thành phố Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ - tài chính cấp vùng tiềm năng.

Các diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, vận hành trung tâm tài chính tại hội nghị

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính nhằm mục tiêu thiết lập khung hành lang pháp lý mở, minh bạch, có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo đó, định hướng lớn xuyên suốt của Việt Nam là tiếp tục mở cửa mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các định chế tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế. Triển khai rõ ràng lộ trình hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam vào năm 2035, kết nối tương hỗ chặt chẽ với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới, hướng đến hình thành mạng lưới tài chính liên kết, không cạnh tranh trực tiếp.

Bên cạnh đó, thúc đẩy thử nghiệm các cơ chế tài chính tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính, đặc biệt là fintech, blockchain, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh tài chính xanh, khuyến khích các sản phẩm bền vững, các quỹ đầu tư theo chuẩn thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG).

Đồng thời, tăng cường kết nối với các trung tâm tài chính để phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác đào tạo và nâng cao quản trị tài chính theo chuẩn quốc tế. Đảm bảo ổn định thị trường tài chính, quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đây là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường đầu tư an toàn và bền vững tại các trung tâm tài chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh hiện nay. Đồng thời cần tận dụng thế mạnh của Việt Nam khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, vị trí địa chính trị, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh... trong mô hình này.

An Vinh (t/h)