Trong nước

Hợp tác để phòng, chống nguy cơ kháng kháng sinh

Chủ nhật, 28/7/2024 | 00:59 GMT+7
Mới đây, tại cuộc họp Nhóm công tác kỹ thuật đa ngành về kháng kháng sinh thuộc khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, các chuyên gia đã chỉ ra khoảng trống trong quản lý kháng sinh ngoài môi trường.

Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cam kết đa ngành và hợp tác đa phương về quản lý, giám sát và ngăn chặn kháng kháng sinh.

Theo thông tin tại cuộc họp, Việt Nam có tổng cộng 89 văn bản pháp luật liên quan đến thuốc kháng sinh. Trong đó, 7 văn bản đã không còn hiệu lực; 34 văn bản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 42 văn bản thuộc Bộ Y tế và 6 văn bản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các quy định liên quan đến thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh, được đề cập trong Luật Thú y, Luật Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Luật Dược (Bộ Y tế). Tuy nhiên hiện chưa có quy định chi tiết liên quan đến thuốc kháng sinh trong chất thải, cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn nào liên quan đến việc thải kháng sinh ra môi trường.

Theo các chuyên gia tại buổi làm việc, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có hệ thống quy định về kháng kháng sinh khá toàn diện và có kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh sớm so với các nước. Tuy nhiên, việc thực thi về kháng kháng sinh vẫn là nhiệm vụ cấp bách, cần huy động và đầu tư nguồn lực để triển khai các quy định.

Quang cảnh buổi làm việc

TS. Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kháng kháng sinh là một nội dung đặc biệt quan trọng, được quy định tại nhiệm vụ số 3 trong khung đối tác đa ngành Một sức khỏe giai đoạn 2021 - 2025  về tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng kháng kháng sinh và ngăn chặn kháng kháng sinh. Nhóm công tác kháng kháng sinh đa ngành là một trong những cơ chế tốt để hiện thực hóa các luật, kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc trong y tế, môi trường và nông nghiệp.

Gần đây nhất, mục tiêu và nhiệm vụ về quản lý, giám sát, kiểm soát kháng kháng sinh được quy định rất rõ trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình hình kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về kháng kháng sinh đã cập nhật tiến độ công tác phòng chống kháng kháng sinh trong thú y, y tế và môi trường. Các đối tác quốc tế và trong nước chia sẻ những kết quả nghiên cứu đã và đang triển khai; đề xuất các cơ hội để lồng ghép chính sách kháng kháng sinh vào hợp tác đa bên. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy vai trò đối tác công tư trong việc phòng chống, ngăn ngừa sử dụng kháng kháng sinh bừa bãi hoặc không theo chỉ định.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền quy định về kháng sinh trong cộng đồng và kêu gọi tài trợ cho các nghiên cứu liên ngành để đánh giá tác động của việc sử dụng thuốc kháng sinh, bao gồm các tác động đến môi trường cũng như sức khỏe con người và động vật.

Các cơ quan liên quan sẽ xây dựng hướng dẫn chung về chiến lược giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh, xác định giới hạn pháp lý về ô nhiễm thuốc kháng sinh trong môi trường. Bên cạnh đó, cần đảm bảo những tài liệu pháp lý về kháng sinh trong môi trường được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học.

Đại diện Bộ NN&PTNT cam kết sẽ cùng với 2 Bộ chủ trì làm tốt vai trò điều phối, tạo ra cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về hoạt động, chương trình kháng kháng sinh quốc tế và quốc gia. Đồng thời, làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế, lắng nghe những nhu cầu thực tế từ các cơ quan Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật hoặc bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam.

Mặt khác, các đối tác phát triển quốc tế cũng khẳng định sẽ chia sẻ trách nhiệm phòng chống kháng kháng sinh với Chính phủ Việt Nam và tiếp tục cam kết đồng hành hỗ trợ mọi nguồn lực.

Ngọc Huyền (T/H)