Trong nước

Bình Định: Phát triển hạ tầng nông nghiệp gắn với phòng chống thiên tai

Thứ tư, 17/7/2024 | 10:48 GMT+7
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đề cương Đề án Phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án nhằm tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) gắn với phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030; củng cố, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng NN&PTNT, nước sạch nông thôn, phòng, chống thiên tai đáp ứng các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phòng chống thiên tai

Cụ thể, thông qua đề án, tỉnh Bình Định tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước để cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết, dâng nước, trữ nước trên 4 lưu vực sông lớn của tỉnh; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung triển khai thực hiện quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi theo quy định; ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn. Bổ sung nguồn nước, lập kế hoạch sử dụng nước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng. Hệ thống công trình phòng, chống thiên tai từng bước đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai.

Đề án sẽ đánh giá kết quả thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn gồm: hồ chứa nước thủy lợi; hồ chứa nước thủy điện; đập dâng trên sông; đập ngăn mặn; chuyển nguồn nước; hệ thống tưới; hệ thống tiêu; đê sông; đê cửa sông, đê ngăn mặn; đê biển; công trình nước sạch nông thôn; cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; trạm quan trắc khí tượng thủy văn; trạm cảnh báo thiên tai; nhà tránh trú cộng đồng…

Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng NN&PTNT gắn với phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến đề xuất một số giải pháp như xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm; hệ thống kênh tưới, kênh tiêu; hệ thống chuyển nước lưu vực; xây dựng hệ thống đê, kè chống lũ, nâng cao mức đảm bảo phòng, chống lũ cho các tuyến đê sông, đê biển; phân lũ trên nhánh sông nhằm làm giảm tác động của lũ lụt, sạt lở đất vào khu vực cần bảo vệ; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định tối ưu cho việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa góp phần giảm lũ cho vùng hạ du…

Gia Bảo (T/H)