Đời sống, xã hội

Huy động vốn trái pháp luật của Kim Oanh Group tại KCN Phú Tân

Thứ hai, 24/2/2020 | 13:18 GMT+7
11 năm trước, Thanh tra Chính phủ đã kết luận những sai phạm trong việc đầu tư Dự án (DA) Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương). Sai phạm không những chưa được xử lý triệt để mà còn gây ra những hệ lụy khác. Đó là DA “chết” nhưng vẫn được Kim Oanh Group nhảy vào thu mua và tìm cách “xẻ thịt” để huy động vốn trái pháp luật.

Khu công nghiệp Phú Tân, Bình Dương

Đất sai phạm vẫn chuyển nhượng

Chủ trương thành lập Khu liên hợp Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận năm 2003. Tổng diện tích theo đề án được duyệt là 4.196,8 ha bao gồm khu công nghiệp (KCN) tập trung, khu đô thị, khu dịch vụ, đất dùng xây dựng các công trình giao thông, đất hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, DA KCN Phú Tân là 1 trong 5 DA khu công nghiệp Khu liên hợp Bình Dương. 

Theo Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26/11/2008, việc giao đất và cho thuê đất đối với sáu nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53 có dấu hiệu sai phạm. Các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007, nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.

Việc giao đất cho các nhà đầu tư KCN chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của các nhà đầu tư, không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành luật đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

Năm 2004, KCN Phú Gia (hiện giờ được đổi tên thành KCN Phú Tân) là một trong hai nhà đầu tư được giao đất và đền bù 100% diện tích đất đầu tiên của Khu liên hợp Bình Dương. DA có tổng diện tích hơn 133 ha, nhưng cho đến thời điểm này, cũng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng gần 17 ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.

Mặc dù không thu hút đầu tư nhà máy KCN nhưng tại KCN Phú Tân việc chuyển nhượng dự án rất sôi động. Đến tháng 2/2018, Kim Oanh Group đã thu mua thành công Công ty Nam Kim, với thời hạn sử dụng đất đến năm 2056 (đất thuê 50 năm). Người đứng tên đại diện pháp luật Công ty Nam Kim là bà Nguyễn Thị Nhung (con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group). Trước khi về tay Kim Oanh Group, ít nhất DA KCN Phú Tân đã chuyển nhượng qua ba chủ đầu tư khác.

Huy động vốn trái luật?

Theo tài liệu PV có, ngoài diện tích khoảng 17 ha đất đã được 2 nhà đầu tư thuê lại, trong diện tích đất còn lại khoảng hơn 116,5 ha thì có đến hơn 38,6 ha nhà nước giao đất không thu tiền. Như vậy, có thể hiểu trong DA KCN Phú Tân có hơn 38,6 ha thuộc diện đất công được giao cho doanh nghiệp quản lý và đồng thời việc Kim Oanh Group thu mua được cả diện tích đất công này?

Liên quan đến KCN Phú Tân, ngày 28/1/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có Văn bản số 173/TTg-KTN về việc đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, có 5 KCN (trong đó có 4 KCN nằm trong Khu liên hợp Bình Dương) được điều chỉnh là: KCN Tân Đông Hiệp B từ 163 ha xuống 150 ha; KCN Sóng Thần III từ 534 ha xuống 427 ha; KCN Đại Đăng từ 274 ha xuống 219 ha; KCN Phú Tân từ 133 ha xuống 107 ha; KCN Kim Huy từ 214 ha xuống 172 ha.

Ngày 29/11/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương về việc Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư DA KCN Phú Tân thì thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai 2014, DA thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ đầu tư DA để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Như vậy, có thể hiểu rằng những quyết định liên quan đến DA KCN Phú Tân phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới được thực hiện.  

Tuy vậy, ngày 4/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (Quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân và quyết định này thay thế cho Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phú Gia thuộc Khu liên hợp Bình Dương.

Đến ngày 30/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương về Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị - dịch vụ Phú Hòa (một phần chuyển đổi của KCN Phú Tân) với tổng diện tích là 266.968 m2 (hơn 26,6 ha), quy mô dân số khoảng 10.717 người.

Cuối năm 2019, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có văn bản xác định: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại KĐT - dịch vụ Phú Hòa đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của DA nên chưa thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường”.

Trong khi đó, bằng hình thức khác nhau Công ty Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người nhưng có dấu hiệu huy động vốn trái phép của khách hàng để thực hiện DA. Theo tài liệu của PV có, từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…

Không chỉ dừng ở đó, ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng Giám đốc đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, với thời hạn 5 năm (từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2024). Ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung.

Theo các luật sư, trong trường hợp, chủ đầu tư huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, khách hàng sẽ là người chịu thiệt như chiếm dụng vốn, dự án chậm so với tiến độ, nếu dự án bị dừng hoạt động thì nguồn vốn của khách hàng sẽ phải nằm chết theo dự án.

Rủi ro lớn nhất là người mua có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra khi cơ quan nhà nước cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng nhà ở, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu của lô đất, hoặc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã công bố trước đó.

Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV