
Đại diện Bộ TT&TT, Tổng cục Hải quan trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về quản lý hoạt động nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng
Chiều 6-11-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội thảo “Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng” tại TPHCM.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về các quy định mới sắp áp dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng. Đồng thời, Bộ cũng ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về những vướng mắc hiện tại trong hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm này.
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư 31/2015/TT-BTTTT vào cuối tháng 10-2015 nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng. Thông tư 31 sẽ thay thế Thông tư 11/2012/TT-BTTTT; hướng dẫn cụ thể các quy định mới về quản lý hoạt động nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP.
Thông tư 31 có một số điểm cần lưu ý như: cập nhật danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu; quy định các trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng về làm nghiên cứu khoa học; các quy định về gia công tái chế sản phẩm CNTT cho nước ngoài…
Về cơ bản, sẽ có hai trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TT&TT. Thứ nhất là nhập khẩu các sản phẩm để nghiên cứu khoa học (làm mẫu, nghiên cứu và phát triển, kiểm thử trong sản xuất…). Thứ hai là nhập khẩu về để gia công tái chế, sửa chữa làm mới cho nước ngoài. Các trường hợp nhập khẩu sản phẩm CNTT cũ với mục đích khác sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đai diện Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT, cho biết hiện tại Bộ đã giới thiệu dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ về một số trường hợp cho phép nhập khẩu thuộc Danh mục cấm nhập khẩu. Trong dự thảo này sẽ có sáu trường hợp được phép nhập khẩu.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp CNTT đã than phiền về thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thời gian qua còn nhiều khó khăn. Có những trường hợp phải chờ công văn xác nhận (về chuyên ngành) từ hai Bộ TT&TT và Bộ Công Thương mới có thể thông quan hàng hoá. Có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu.
Đơn cử, đai diện công ty GameLoft cho biết hiện tại, các sản phẩm điện thoại di động của công ty nhập về Việt Nam nhằm mục đích thử nghiệm, phát triển phần mềm phải chịu sự quản lý từ hai Bộ Công Thương và Bộ TT&TT. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động thiết kế, phát triển phần mềm của công ty.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ CNTT trả lời rằng hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang xem điện thoại di động là sản phẩm tiêu dùng, thuộc phạm vi quản lý, điều chỉnh của Thông tư 04/2014/TT-BCT. Bộ TT&TT đã từng kiến nghị với Bộ Công Thương về việc sửa đổi mặt hàng điện thoại di động chuyển sang danh mục sản phẩm CNTT nhưng chưa thực hiện được. Do đó, một số doanh nghiệp khi nhập khẩu điện thoại di động đã qua sử dụng sẽ cần đến sự xác nhận từ Bộ TT&TT và Bộ Công Thương.
Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Giám quản hàng hoá xuất nhập khẩu thương mại thuộc Tổng cục Hải quan, cho rằng đối với các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, đề nghị Bộ TT&TT đưa ra yêu cầu rõ ràng về các loại giấy chứng nhận cần thiết nhằm giúp cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan thuận lợi hơn. Đồng thời, có một số thủ tục cấp phép vẫn còn áp dụng biện pháp thủ công, nên chuyển qua hình thức cấp phép điện tử kết hợp với hệ thống hải quan điện tử để vận hành tốt hơn.
Ở một số trường hợp khác, doanh nghiệp cũng than phiền về trường hợp những lô hàng nhỏ, chỉ có 2-3 sản phẩm CNTT (điện thoại di động/máy tính bảng) đã qua sử dụng, khi nhập khẩu doanh nghiệp vẫn phải làm hồ sơ trình lên Bộ TT&TT (Cục Viễn thông) xin giấy phép nhập khẩu. Trong khi đó, hàng tháng doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng chục lô hàng như thế, nên với quy trình thủ tục hiện nay sẽ mất rất nhiều thời gian để xin phép, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án phát triển phần mềm. Đã có doanh nghiệp vì lý do không thể đáp ứng thời gian xin giấy phép nhập khẩu sản phẩm để thử nghiệm phần mềm đã bị đối tác nước ngoài từ chối hợp đồng thực hiện dự án.