Năng lượng mặt trời

Mua bán điện qua công nghệ blockchain ở Thái Lan

Thứ ba, 16/7/2019 | 10:20 GMT+7
Mô hình đang được thí điểm tại tổ hợp khu chung cư T77 ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan cho phép mua bán điện ngang hàng (P2P energy trading) thông qua nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Hệ thống điện mặt trời tại tổ hợp khu chung cư T77 có công suất sản xuất điện khoảng 635 KW, được giao dịch thông qua hệ thống lưới điện của Bangkok. Bốn đối tác cùng nằm trong tổ hợp, đóng vai trò vừa là người mua vừa là người bán, bao gồm trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và chung cư.

Điện năng sản xuất tại bốn nhóm khách hàng này trước tiên sẽ được tiêu thụ, mua bán trong nội bộ tổ hợp. Nếu lượng điện vẫn còn dư nữa mới bán lại cho công ty điện lực quốc gia.

Trong tổ hợp trên, trường học, bệnh viện và trung tâm thương mại tiêu thụ điện rất lớn vào ban ngày, trong khi chung cư chủ yếu tiêu thụ điện vào buổi tối hoặc cuối tuần. Do đó, nguồn điện được mua bán giữa nơi thừa và nơi thiếu trong từng thời điểm. Một trong nhưng ưu điểm nổi bật của mô hình là giảm được thời gian và chi phí giao dịch do nằm trong cùng một tổ hợp.

Theo bà Gloyta Nathalang, Phó chủ tịch ban Truyền thông doanh nghiệp của BCPG, một trong những đơn vị vận hành dự án, ngành điện Thái Lan hiện phần lớn vẫn áp dụng hệ thống sản xuất điện tập trung. Dù vậy, đang có dấu hiệu cho thấy những chuyển biến trong ngành khi chuyển dần sang hình thức phân tán dưới sự hỗ trợ của công nghệ như blockchain, hợp đồng thông minh và giao dịch ngang hàng (P2P). Giờ đây khách hàng có thể vừa là người sản xuất, người tiêu dùng và có thể lựa chọn nguồn điện mà họ sử dụng.

Cũng theo đại diện BCPG, với những đặc tính như minh bạch, giảm thời gian, chi phí giao dịch, hóa đơn tiền điện của các thành viên trong cộng đồng T77 đã giảm khoảng 12,4%.

Thái Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á – Thái Bình Dương về năng lượng tái tạo với mục tiêu nguồn điện sạch này chiếm khoảng 30% tổng lượng điện tiêu thụ năm 2036.

Hiệp hội Năng lượng thế giới dự báo, năng lượng tái tạo sản xuất theo hình thức phi tập trung như dự án thí điểm ở T77, dưới sự hỗ trợ của công nghệ blockchain sẽ tăng từ mức 5% hiện nay lên khoảng 25% thị trường năng lượng toàn cầu năm 2025.

Thực tế, không chỉ T77, mô hình ứng dụng công nghệ blockchain trong phân phối điện đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia như Đức, Áo và một số quốc gia châu Âu khác. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tính tới tháng 9/2018, trên thế giới có khoảng 189 công ty ứng dụng blockchain trong hoạt động sản xuất, phân phối năng lượng; 71 dự án ứng dụng blockchain trong lĩnh vực năng lượng với tổng số vốn được rót vào lĩnh vực này là 466 triệu Đô la Mỹ.

Lan Anh