Quốc tế

NASA công bố nguyên nhân Hỏa tinh mất dần khí quyển

Thứ năm, 12/11/2015 | 14:01 GMT+7
Nguyên nhân này giải đáp lý do tại sao một hành tinh có cấu trúc tương tự như Trái đất cách đây 3,7.

Phi thuyền MAVEN thực hiện nhiệm vụ bên ngoài không gian.

Nguyên nhân này giải đáp lý do tại sao một hành tinh có cấu trúc tương tự như Trái đất cách đây 3,7 tỷ năm lại trở thành một nơi khô cằn, băng giá và hoang tàn như Hỏa tinh ngày nay.

Phát hiện trên được các chuyên gia NASA đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đỏ dựa vào dữ liệu từ phi thuyền MAVEN.

Theo những dữ liệu trên, hiện tượng “bão mặt trời” ngoài không gian cướp đi khoảng 100 gr khí quyển trên Hỏa tinh mỗi giây.

Sau hàng trăm triệu năm dưới tác động này, Hỏa tinh đã mất đi một lượng khí quyển cực lớn.

“Chúng tôi nhận thấy, tốc độ thất thoát không khí trên sao Hỏa tăng mạnh khi những cơn bão mặt trời xuất hiện. Vì thế, chúng tôi nghĩ tốc độ ấy đạt mức cao hơn nhiều cách đây vài tỷ năm, khi mặt trời còn là ngôi sao mới và hoạt động dữ dội”, Bruce Jakosky - Trưởng nhóm phân tích dữ liệu từ phi thuyền MAVEN cho biết.

Phi thuyền MAVEN của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã bay quanh Hỏa tinh từ năm 2014 để nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đỏ.

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, John Grunsfeld - một phi hành gia và cũng là nhà nghiên cứu của NASA khẳng định: việc nghiên cứu này sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ quá trình tiến hóa của mọi bầu khí quyển khác trong vũ trụ.

Việc nghiên cứu sự thay đổi của một bầu khí quyển từng có khả năng nuôi dưỡng vi sinh vật thành bầu khí quyển khô cằn chính là điều mà các nhà khoa học cần thực hiện để phục vụ chuyến bay đưa người tới Hỏa tinh.

Nguồn: Tuổi trẻ Online