Theo C3S, tháng 9/2024 là tháng 9 ấm thứ hai từng được ghi nhận trên toàn cầu trong một năm. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 9/2024 chỉ đứng sau tháng 9/2023.
Ảnh minh họa
Tháng 9/2024 còn chứng kiến lượng mưa "cực lớn" và những cơn bão tàn phá nặng nề ở nhiều nơi trên thế giới. Những sự kiện này đang xảy ra với mức độ nghiêm trọng và tần suất cao hơn các năm trước, trong khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết, không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn và đại dương ấm hơn có nghĩa sẽ bốc hơi nhiều hơn, dẫn đến lượng mưa lớn hơn. Đây là nguyên nhân khiến mưa bão, lũ lụt diễn ra nghiêm trọng và có sức tàn phá mạnh mẽ hơn.
Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc C3S thông tin, các sự kiện mưa cực đoan trong tháng 9 vừa qua đã trở nên tồi tệ hơn do bầu khí quyển ấm hơn, dẫn đến lượng mưa lớn. Lượng mưa chỉ trong vài ngày đã tương đương con số ghi nhận được trong nhiều tháng. Cụ thể, trong một tháng khắc nghiệt vừa qua, bão Helene đã tấn công Đông Nam nước Mỹ, bão Krathon tấn công Đài Loan (Trung Quốc), bão Boris mang theo lũ lụt tàn phá miền Trung châu Âu, bão Yagi tấn công Đông Nam Á và một phần Trung Quốc.
Ngoài ra, C3S cho biết, năm 2023 là năm ấm nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, nhưng khoảng thời gian từ tháng 1 - 9/2024 đã cho thấy dữ liệu có thể lập kỷ lục mới. Đại diện C3S gần như chắc chắn rằng năm 2024 sẽ trở thành năm ấm nhất từ trước đến nay.
Việc liên tục ghi nhận các kỷ lục mới về tình trạng nóng lên toàn cầu đang gióng lên hồi chuông báo động về việc cần có hành động nhanh chóng, cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trái đất.
Trái đất ấm dần lên gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi nhiệt độ không khí vượt quá nhiệt độ bình thường của cơ thể là 36,6 độ C. Ở Mỹ, trung bình mỗi năm so với 10 năm trước có thêm 95% số người chết do nhiệt độ khắc nghiệt. Ở châu Âu, chỉ riêng trong mùa hè năm 2022, số ca tử vong do nắng nóng ở các nước trong khu vực đã vượt quá 60.000 người. Các chuyên gia cho rằng, vào giữa thế kỷ này, số trường hợp tử vong do nắng nóng hàng năm có thể tăng thêm 370%.
Nhiệt độ tăng cao và hạn hán cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vấn đề cháy rừng dần trở nên gay gắt hơn bao giờ hết ở các nước. Điển hình như ở Canada năm 2023, những đám cháy quy mô lớn đã nhấn chìm cả nước và kéo dài trong vài tháng. Trận hỏa hoạn đã thiêu rụi 18,5 triệu ha rừng, khói không chỉ bao trùm Canada mà còn lan đến các bang phía Đông Bắc nước Mỹ và bờ biển phía Tây châu Âu. Khói lửa thải bụi PM2.5 vào khí quyển, sau đó chúng xâm nhập vào đường hô hấp và hệ tuần hoàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người và các loài động vật.