Loạt báo cáo tập trung vào tiến độ đạt được mục tiêu "nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người" thông qua việc bảo vệ và khôi phục các nguồn nước ngọt, thuộc các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Các báo cáo cũng nhắc lại lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thành viên trong việc giải quyết thách thức về tài nguyên nước nhờ chiến lược toàn hệ thống của Liên Hợp Quốc về nước và vệ sinh.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo, 90 quốc gia, hầu hết ở châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á đang trải qua tình trạng suy thoái của một hoặc nhiều hệ sinh thái nước ngọt. Ô nhiễm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác quá mức tài nguyên, biến đổi khí hậu đã và đang góp phần làm suy thoái các hệ sinh thái nước ngọt.
Hiện nay, 402 lưu vực của các dòng sông trên toàn thế giới đã giảm, con số này nhiều hơn gấp 5 lần kể từ năm 2000.
Việc mất rừng ngập mặn do hoạt động của con người (nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp) đã gây ra rủi ro cho các cộng đồng ven biển, nguồn nước ngọt, đa dạng sinh học và khí hậu. Sự suy giảm đáng kể của rừng ngập mặn được ghi nhận nhiều nhất ở Đông Nam Á, mặc dù tốc độ phá rừng đã chậm lại trong thập kỷ qua.
Hồ và các vùng nước mặt khác cũng đang bị thu hẹp hoặc bị mất hoàn toàn ở 364 lưu vực trên toàn thế giới. Nồng độ hạt và chất dinh dưỡng cao liên tục trong nhiều hồ lớn có thể dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa và nước thiếu oxy, chủ yếu là do hoạt động khai hoang, đô thị hóa hoặc do một số hiện tượng thời tiết. Do đó, việc xây dựng các hồ chứa sẽ giúp tăng ổn định nguồn nước.
Trong khi đó, 50% dân số thế giới sống tại những khu vực mà chỉ có 3% số liệu đo lường về chất lượng nước. Dự kiến đến năm 2030, hơn một nửa nhân loại sẽ sống ở các quốc gia không có đủ dữ liệu chất lượng nước để đưa ra quyết định quản lý liên quan đến việc giải quyết hạn hán, lũ lụt, tác động từ nước thải và dòng chảy nông nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải thiện năng lực giám sát.
Theo bà Dianna Kopansky, trưởng bộ phận Nước ngọt và đất ngập nước, Ban Hệ sinh thái tại UNEP, hành tinh xanh của chúng ta đang nhanh chóng bị mất đi các nguồn nước ngọt và tài nguyên lành mạnh, ảnh hưởng đến những vấn đề về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Các tác giả của báo cáo khuyến nghị, cần mở rộng, phát triển nhiều chương trình giám sát thường xuyên về tài nguyên nước và môi trường do Chính phủ tài trợ; đưa khoa học công nghệ và sự tham gia của người dân vào các chương trình quốc gia. Cân bằng nhu cầu sử dụng nước bền vững từ xã hội và nền kinh tế, đòi hỏi phải triển khai quản lý tài nguyên nước tổng hợp (IWRM) trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ và xuyên biên giới vào năm 2030.
Trước mắt, các bên liên quan cần mở khóa tài chính thông qua các thỏa thuận, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên nước; tăng cường hành động phối hợp để triển khai tốt hơn thể chế và mạng lưới giám sát tài nguyên.