Quốc tế

Phát triển tiểu vùng sông Mekong mở rộng thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 9/9/2024 | 14:41 GMT+7
Phái đoàn Bộ trưởng Bộ Môi trường 6 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) cùng đại diện các cơ quan bộ ngành, đối tác phát triển sẽ cùng xem xét, thảo luận các văn kiện chiến lược quan trọng.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/9 tại Phnom Penh, Campuchia với sự tham gia của phái đoàn Bộ trưởng Bộ Môi trường 6 quốc gia thành viên.

Theo hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP), trong Hội nghị Bộ trưởng Môi trường GMS lần này, phái đoàn Bộ trưởng Bộ Môi trường 6 quốc gia thuộc GMS cùng đại diện các cơ quan bộ ngành, đối tác phát triển, ngoại giao đoàn, khách mời trong nước, quốc tế và chính quyền địa phương sẽ cùng xem xét, thảo luận nhiều văn kiện chiến lược quan trọng. Qua đó tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một tiểu vùng sông Mekong mở rộng xanh, sạch, đẹp và bền vững, hướng tới xây dựng tương lai tươi sáng cho khu vực.

Ảnh minh họa

Ông Khvay Atiya, người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia cho biết, với định hướng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững phù hợp với xu thế toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu và ngăn ngừa ô nhiễm chất thải nhựa, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường GMS lần thứ 6 và các hội nghị liên quan sẽ xem xét, thông qua hai văn kiện quan trọng là dự thảo tuyên bố Phnom Penh về ngăn ngừa ô nhiễm chất thải nhựa khu vực GMS và dự thảo Khung chiến lược thúc đẩy hành động về khí hậu và bền vững môi trường trong khu vực GMS năm 2030.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện còn có nhiều hoạt động trưng bày giới thiệu thành tựu, sáng kiến góp phần quản lý hiệu quả môi trường và tài nguyên thiên nhiên của các cơ quan bộ, ngành, đối tác phát triển, công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, đối tác hợp tác… thuộc nhiều quốc gia.

Chương trình hợp tác GMS chính thức hình thành từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm thúc đẩy hợp tác và kết nối 6 quốc gia trong khu vực GMS gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam.

Trải qua hơn 30 năm hoạt động, chương trình đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò của mình thông qua việc mở rộng cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động và đa dạng hóa quan hệ với nhiều khuôn khổ hợp tác khác.

Mộc Trà (T/H)