Trong nước

Ngành nông nghiệp đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu

Thứ năm, 24/12/2020 | 16:52 GMT+7
Chiều 24/12, Hội nghị “Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” được tổ chức với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tổng kết năm 2020, đồng thời triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN&PTNT.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thủy sản tăng 3,3%. GDP toàn ngành tăng trưởng 2,65%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thủy sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì được 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, năm 2020 đã có 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019. Đây là tiền đề vững chắc tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Về lĩnh vực chăn nuôi, tính đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.

Tán thành với báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 nông nghiệp Thủ đô Hà Nội tăng trưởng 4,2%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự kiến, hết năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP. Theo kế hoạch năm 2021, Hà Nội sẽ phấn đấu tiếp tục giữ mức tăng trưởng trong nông nghiệp trên 4% và 100% số xã sẽ về đích nông thôn mới...

Tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành nông nghiệp. Khó khăn hiện tại đã cho thấy vai trò sống còn của ngành nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu ra một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.

Cụ thể, quá trình phát triển ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã thu được nhiều kết quả, cố gắng, song chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao. 

Tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Trước những vấn đề đó, Bộ trưởng đề xuất cần tiếp tục tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiếp tục tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

Gia Linh