Trong nước

Nghệ An trồng rừng thay thế, khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ hai, 30/9/2024 | 11:00 GMT+7
UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh triển khai trồng rừng thay thế, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan căn cứ công văn số 1431/LN-QBVPTR ngày 25/9/2024 của Cục Lâm nghiệp về triển khai một số công tác khắc phục sau thiên tai về chính sách trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Trồng rừng thay thế tại Nghệ An

Theo công văn số 1431/LN-QBVPTR, Cục Lâm nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số công tác khắc phục sau thiên tai về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế.

Cụ thể, UBND các địa phương cần xây dựng và trình phê duyệt phương án sử dụng kinh phí dự phòng tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài theo quy định. Tổ chức kịp thời chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng, giúp bổ sung kinh phí thực hiện quản lý bảo vệ rừng, ổn định đời sống và hỗ trợ khắc phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai theo quy định đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả. Khẩn trương thống kê diện tích rừng bị thiệt hại làm cơ sở xây dựng và trình phê duyệt phương án trồng lại rừng từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế kết dư chưa có kế hoạch sử dụng tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.

Được biết, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An đã có 22/22 chủ rừng là các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, các chủ rừng là tổ chức thuộc nhiều thành phần kinh tế đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 – 2030, với tổng diện tích rừng được xây dựng trong phương án là 585.423,42ha. Diện tích rừng này được giao quản lý bảo vệ đạt 100% mục tiêu đặt ra. Cụ thể, tổng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên địa bàn đạt 24.691,91ha (50% mục tiêu); 20 dự án nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng với số tiền là 46.626,4 triệu đồng, tương đương với diện tích phải trồng rừng thay thế là 298,848ha. 

Huyền Dung (T/H)