Ngày 9/11, hội thảo chuyên đề số 2 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hội tự động hóa Việt Nam đồng tổ chức.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào việc đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh: “Để cung cấp thêm luận cứ cho xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban chấp hành Trung ương, tôi đề nghị hội thảo cần tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề sau:
Thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.
Phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D các thiết bị số như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IoT… phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương Đào Trọng Cường nêu rõ việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh R&D trong dản xuất các thiết bị số như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IoT tại Việt Nam.
Chuyển đổi kỹ thuật số trong sản xuất
Hội thảo đã nghe 5 bài tham luận của các diễn giả về các chủ đề: kinh nghiệm quốc tế triển khai sản xuất thông minh và gợi ý cho Việt Nam; nền công nghiệp của tương lai – vận hành thông minh, công cụ số thế hệ mới và tích hợp quản lý năng lượng & tự động hóa; một số mô hình chuyển đổi công nghiệp 4.0 dựa trên dữ liệu lớn; những bài học kinh nghiệm từ chiến lược công nghiệp châu Âu 4.0; những thách thức hàng đầu về chuyển đổi kỹ thuật số trong sản xuất.
Tiếp đó, tại phiên thảo luận, các diễn giả trao đổi những vấn đề về sản xuất thông minh trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình sản xuất và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất; xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ; số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kết thúc phiên thảo luận, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ thông điệp sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều kiện tiên quyết cho quốc gia tiến tới mục tiêu thành nước công nghiệp hiện đại, ngang tầm khu vực.