Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam 2025 kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin về các vấn đề liên quan đến thị trường carbon, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm rõ cơ chế, chính sách, lộ trình thiết lập và vận hành thị trường. Thông qua diễn đàn, doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ có những bước chuẩn bị cần thiết để có thể sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Diễn đàn cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, đa chiều, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, đảm bảo hiệu quả cao khi thực thi chính sách.
Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhấn mạnh, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới và Việt Nam, là “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về đầu tư, tài chính khí hậu.
Theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh. Cùng với nỗ lực chuyển đổi năng lượng, Việt Nam xác định thị trường carbon là công cụ quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho giảm phát thải.
Theo quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/1/2025 về việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam, lộ trình thị trường carbon Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn. Trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc. Về thể chế, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng tiếp cận “kinh tế nâu sang chuyển đổi xanh”. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước cũng như nghị định, quy định về các hoạt động trao đổi carbon quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris.

Phát triển thị trường carbon để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về đầu tư, tài chính khí hậu. (Ảnh minh họa)
Theo ông Tăng Thế Cường, các Bộ, ngành Việt Nam đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon, đưa ra các công cụ định giá carbon phổ biến với thuế carbon, các cơ chế trao đổi tín chỉ. Ngoài ra, các công cụ định giá carbon có vai trò rất quan trọng, đóng góp cho cung cụ định giá carbon, gồm thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện. Phát triển thị trường carbon sẽ thúc đẩy công nghệ phát thải thấp vào thị trường Việt Nam.
Bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu kinh tế (IFC) chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo, thực hành phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các mục tiêu khí hậu vào năm 2050. Hiện hơn 2.000 doanh nghiệp trên thế giới đã có cam kết đạt Net Zero trong thỏa thuận chung toàn cầu.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã cung cấp vốn vay cho doanh nghiệp Việt Nam các lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng cam kết IFC đạt khoảng 2 tỷ USD hàng năm, trong đó tập trung đầu tư vào các dự án xanh, phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Cục Biến đổi khí hậu và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố báo cáo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khối doanh nghiệp Việt Nam trong 4 ngành trọng điểm: sản xuất lúa gạo, chế biến thực phẩm và đồ uống (F&B), chăn nuôi và quản lý chất thải. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của thị trường carbon, đồng thời mong muốn được tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và thể chế để chuẩn bị sẵn sàng tham gia.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng thị trường carbon không chỉ là câu chuyện môi trường mà còn là cơ chế tài chính - kỹ thuật giúp doanh nghiệp giảm phát thải hiệu quả, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng “xanh hóa” các tiêu chuẩn nhập khẩu, đầu tư và sản xuất.