Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Cao Bằng là 6.700,3 km2; gồm 10 đơn vị hành chính: thành phố Cao Bằng và 9 huyện (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh).
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới.
Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước và chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hợp tác đối ngoại được mở rộng; quốc phòng, an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Một góc thành phố Cao Bằng
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, về kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm. Tỷ trọng các khu vực kinh tế trong GRDP: nông nghiệp khoảng 12,5% GRDP; công nghiệp - xây dựng khoảng 21,7%; dịch vụ khoảng 63,3% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2,5%. GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành).
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân trên 4%/năm; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030.
Quy hoạch nêu cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng.
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc và quốc lộ đối ngoại kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm đô thị, kinh tế lớn của Vùng và cả nước, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông quốc gia (sân bay, cảng biển). Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.
Tập trung phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Cao Bằng. Đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là Hà Giang, Lạng Sơn và Bắc Kạn; thúc đẩy hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).
Tăng cường đổi mới, sáng tạo, có chính sách tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản. Phát triển nhanh và đột phá trong sản xuất nông nghiệp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hình thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và sản phẩm đặc trưng.