Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.
Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Có quan hệ hợp tác tích cực với các địa phương của Trung Quốc và các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
Lạng Sơn phấn đấu trở thành vùng đất xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch
Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam và là cầu nối góp phần đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với khu vực và thế giới. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, logistics và vận tải chiếm tỷ trọng lớn. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc.
Xác định 4 khâu đột phá phát triển gồm:
Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế;
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh;
Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp: phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp xanh, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành năng lượng tái tạo, phát triển các khâu trong chuỗi cung ứng ngành điện gió; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, tái chế và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản xuất công nghiệp.