Kinh tế xanh

Sản lượng nuôi cá nước lạnh Việt Nam ở nhóm đầu thế giới

Thứ ba, 10/11/2020 | 11:43 GMT+7
Mới đây, trong buổi tổng kết 15 năm phát triển cá nước lạnh và định hướng giai đoạn 2021 – 2030, Hội Nghề cá Việt Nam đã báo cáo những kết quả ấn tượng trong nuôi cá nước lạnh.

Cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) đã bắt đầu được nuôi có quy mô ở Việt Nam vào năm 2006 – 2007. Tính đến nay, sản lượng cá nước lạnh trên phạm vi cả nước đã lên đến 3.700 tấn, tăng trưởng bình quân 68,75%/năm. Hiện có 25 tỉnh đang phát triển nghề nuôi cá nước lạnh nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua đã giúp Việt Nam lọt vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.

Cá nước lạnh rất được ưa chuộng ở thị trường nội địa, đặc biệt là các sản phẩm cá tươi sống, cá cấp đông chưa qua chế biến... Tính riêng trong năm nay, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến của cả nước ước đạt 3 tấn. Dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá nước lạnh trong nước và thế giới tiếp tục tăng cao. Hiện thị trường nội địa, cung mới đáp ứng được 50% nhu cầu.

Khoảng 4 triệu con giống được sản xuất trong nước, đáp ứng 80% nhu cầu con giống của các cơ sở nuôi cá nước lạnh. Mặt khác, thị trường trong nước cung ứng được khoảng 90% thức ăn cho cá tầm và 50% thức ăn cho cá hồi, với giá bán thấp hơn 20% so với giá thức ăn nhập khẩu.

Nuôi và chế biến cá hồi, cá tầm đang ngày càng được chú trọng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu của Bộ là đến năm 2030 sản lượng cá nước lạnh nuôi sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5 - 10 tấn/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20 - 25 triệu USD.

Đồng thời, đáp ứng được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, để phát triển ngành sản xuất cá nước lạnh, Việt Nam vẫn cần vượt qua nhiều thách thức, khó khăn như: vấn đề khai thác lợi thế nguồn nước; áp dụng công nghệ để tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm; chưa được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành cho cá nước lạnh…

Do vậy, để đảm bảo phát triển cá nước lạnh mang lại hiệu quả cao, ổn định và bền vững trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tổ chức áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo có hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đa dạng hóa mô hình sản xuất, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Gia Linh