Theo đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thành phố triển khai từ quý III năm nay và hoàn thành vào quý II/2024.
Về nhu cầu giải ngân, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 29.676 tỷ đồng; giai đoạn tiếp theo là 14.322 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 7.361 tỷ đồng, ngân sách địa phương 6.961 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã nghiên cứu, đánh giá và thống nhất xây dựng tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn cho dự án như trên là phù hợp. TPHCM và các tỉnh cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bố trí vốn ngân sách trung ương cho dự án theo tiến độ.
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TPHCM
Trước đó, UBND TPHCM có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án vành đai 3 TPHCM.
Theo đó, ngày 29/3, HĐND tỉnh Long An thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho dự án đoạn qua tỉnh Long An. Đến ngày 7/4, HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn ngân sách thành phố cho dự án, đoạn qua TPHCM.
Để đảm bảo tính pháp lý của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, UBND TPHCM đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét. Từ đó, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án.
UBND TPHCM cũng đồng thời đề nghị các địa phương cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần và phần vốn tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần (nếu có) phù hợp tiến độ thực hiện dự án
Đường vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh. Từ đó, tuyến đường tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô 8 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên, mỗi bên tối thiểu 2 làn xe. Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ khởi công vào năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.