Kinh tế xanh

Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn

Thứ tư, 29/9/2021 | 09:38 GMT+7
Ngày 28/9, tại Hội nghị báo cáo cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2022 – 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho biết Thanh Hóa đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn mới và nông nghiệp bền vững.

Tại hội nghị, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025. Hiện Sở xây dựng 2 chính sách lớn là: chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ có 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm: sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh; phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung; phát triển rừng trồng thâm canh tập trung; ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản cho các tàu cá đánh bắt, hậu cần đánh bắt vùng khơi; sản xuất cây ăn quả tập trung; hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sản phẩm OCOP đạt sao sẽ được hỗ trợ kinh phí sản xuất, tiêu thụ

Với Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, có 4 nhóm đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ gồm: xây dựng các công trình; xây dựng hệ thống mương, rãnh thoát nước thải khu vực dân cư có nắp đậy và hỗ trợ thùng đựng rác thải được phân loại tại hộ gia đình; huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; các thôn, bản, xã đạt chuẩn nông thôn mới theo các mức độ: nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá, việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025 là chương trình trọng tâm phát triển nền nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới.

Do đó, ông Lê Đức Giang yêu cầu Sở NN&PTNT lưu ý và cần bổ sung thêm một số vấn đề như: việc hỗ trợ trồng rau an toàn, xem xét hình thành cho vùng miền xuôi và vùng miền núi; nhóm chính sách hỗ trợ chăn nuôi cần xem xét quy mô đàn phù hợp với tình hình thực tế; nhóm chính sách hỗ trợ trồng rừng cần bố trí phân bổ thời gian hỗ trợ cho đúng xu hướng thị trường…

Với việc hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất hỗ trợ theo mức giá của tỉnh đã ban hành trước đó là 75 triệu đồng/sản phẩm đạt sao OCOP, đồng thời có mức thưởng khác nhau cho các sản phẩm đạt 3, 4, 5 sao.

Kim Bảo