Kinh tế xanh

Tổ chức tập huấn Chương trình OCOP năm 2021

Thứ hai, 27/9/2021 | 22:24 GMT+7
Từ ngày 28/9 đến 18/10, Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ phối hợp cùng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức chuỗi tập huấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021.

Theo ban tổ chức, chuỗi tập huấn dự kiến có sự tham gia trực tuyến của gần 63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 2.400 người tham dự bao gồm cán bộ quản lý chương trình OCOP ở các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã, đang và sẽ tham gia Chương trình OCOP.

Chuỗi tập huấn Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ đem lại cho chủ thể OCOP những điều cần biết về chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng câu chuyện sản phẩm và chuẩn hóa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng góp phần bổ trợ thêm kiến thức về quản lý, đánh giá sản phẩm OCOP cấp địa phương; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP trên 3 phần chính của bộ tiêu chí đánh giá là: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.

Chuỗi tập huấn Chương trình OCOP năm 2021 diễn ra dưới hình hức trực tuyến

Chương trình sẽ được tổ chức theo từng chuyên đề. Việc tổ chức các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của Chương trình OCOP; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tham gia hiệu quả vào Chương trình.

Ngoài ra, thông qua chuỗi tập huấn, ban tổ chức hy vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực về sản xuất, gia tăng giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu của thị trường. Chương trình cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở các cấp và các địa phương.

Các chuyên đề thảo luận bao gồm:

Chuyên đề 1: Chương trình OCOP - những điều cần biết khi tham gia chương trình.

Chuyên đề 2: Hướng dẫn phát triển sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chuyên đề 3: Tập huấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho sản phẩm OCOP.

Chuyên đề 4: Tập huấn xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP.

Chuyên đề 5: Tập huấn xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản.

Chuyên đề 6: Tập huấn xử lý sau thu hoạch.

Chuyên đề 7: Phương pháp và công cụ xây dựng mô hình hợp tác xã du lịch bền vững.

Chuyên đề 8: Hướng dẫn Bộ tiêu chí tham gia OCOP.

Chuyên đề 9: Hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ minh chứng tham gia chương trình OCOP.

Chuyên đề 10: Hướng dẫn chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng tham gia chương trình OCOP.

Chuyên đề 11: Ứng dụng chuyển đổi số trong chương trình OCOP.

Ngọc Mai (T/H)