Quy hoạch, xây dựng

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh di dời cơ sở sản xuất độc hại ra khỏi đô thị

Thứ sáu, 18/10/2019 | 14:58 GMT+7
Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm và đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất này ra khỏi đô thị hoặc khu dân cư tập trung. UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp căn cơ, đồng bộ về môi trường đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng  Đông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuât, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư.

Sự việc cháy nhà máy Rạng Đông gây ảnh hưởng tới đời sống người dân và ô nhiễm môi trường 

Hà Nội và TP HCM đã có chủ trương di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ lâu nhưng việc thực hiện chậm trễ. Tại Hà Nội, từ đầu những năm 1990, sau khi quy hoạch chung được duyệt, TP đã đặt ra kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp (kể cả một số trường đại học) không phù hợp ra khỏi nội đô.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, trên địa bàn 12 quận, huyện của TP đang có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời. Trong số này, Sở TN-MT đề xuất các phương án di dời 26 cơ sở theo phương thức bắt buộc; 67 cơ sở đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102 ha; 27 cơ sở được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6 ha. Dù danh sách di dời đã được lập nhưng đến thời điểm hiện nay các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.

Toàn TP HCM hiện có 188/504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm; 316 cơ sở đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, năm 2018 lại phát sinh 294 cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Theo Sở TN-MT TP HCM, mặc dù TP chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm được thực hiện từ năm 2002 thế nhưng quá trình di dời gặp không ít khó khăn do chưa kịp di dời cơ sở cũ thì cơ sở mới đã phát sinh. Nguyên nhân do các quy định trong thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh hiện nay không đòi hỏi phải có ý kiến của địa phương về nội dung bảo vệ môi trường cũng như quy hoạch ngành nghề, dẫn đến DN ô nhiễm dễ dàng hình thành và hoạt động trong khu dân cư, khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý.

Hải Đăng