Trong nước

Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025

Thứ ba, 6/9/2022 | 11:11 GMT+7
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025.

Tại Hội nghị thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025, Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkphab Phanthavong đã nhấn mạnh, kế hoạch thực hiện tổng thể nhằm phác họa một Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN bao trùm, bền vững, tự cường, năng động, gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân.

Đặc biệt, thông qua kế hoạch, các nước ASEAN cần tăng cường thực hiện cam kết đối với chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu và khu vực, đòi hỏi phải tăng cường sự hợp tác và đối tác liên ngành, xóa bỏ mọi rào cản.

Thực hiện các mục tiêu để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết, xóa bỏ mọi rào cản

Với trách nhiệm thực hiện, triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025, Bộ LĐTB&XH đang chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, Bộ đang tăng cường hướng dẫn các đơn vị, chia sẻ tình hình hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực chuyên ngành; xác định rõ 134 hoạt động liên quan lĩnh vực lao động - xã hội để định hướng thực hiện.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, các đơn vị cần bám sát kế hoạch hành động này để xây dựng kế hoạch riêng của đơn vị, địa phương, lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch, thực hiện toàn diện, sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phân bổ các nguồn lực, nhân lực và tài chính cho việc thực hiện đề án, cân nhắc biện pháp xã hội hóa trong quá trình thực hiện. Chú trọng triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực lao động - xã hội. Bao gồm: nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Việc làm, các văn bản có liên quan về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động, quan hệ lao động.

Thời gian tới, cần tăng cường năng lực đánh giá, công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tự cường về kinh tế và sinh kế bền vững, nhất là cho người nghèo, thông qua tiếp cận đầy đủ cơ hội giáo dục, việc làm, kỹ năng điều hành doanh nghiệp và tài chính vi mô. Tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động, bao gồm cả lao động ở các thị trường nước ngoài; phối hợp với các quốc gia trong ASEAN để thúc đẩy hài hòa về chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động…

Lam An