Tin tức

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Thứ năm, 12/10/2023 | 10:43 GMT+7
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai nội dung Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng Ban chỉ đạo) đánh giá, công tác thông tin đối ngoại thời gian qua có nhiều đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhờ đó đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến, cơ hội và thách thức đan xen, công tác thông tin đối ngoại cần không ngừng được đổi mới, hoàn thiện trên tất cả phương diện, bao gồm nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động. Theo đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của thông tin đối ngoại; triển khai sáng tạo, hiệu quả và bám sát thực tiễn từng cơ quan; các đơn vị làm thông tin đối ngoại phải chủ động biến thách thức thành thời cơ, tận dụng bối cảnh trong nước cũng như quốc tế để đổi mới tư duy, phương thức thực hiện. Phải đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử, truyền thống, đặc trưng văn hóa Việt Nam, chú trọng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số để có những sản phẩm quảng bá đất nước đa ngôn ngữ, hiện đại, tăng tính thuyết phục, hấp dẫn. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ là lực lượng tuyến đầu, hữu hiệu nhất truyền tải thông tin từ Việt Nam ra thế giới.

Quang cảnh hội nghị

Tham gia hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay, Việt Nam có những cơ hội, công cụ chưa từng có để làm tốt công tác thông tin đối ngoại. Do đó, các cơ quan cần tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí, truyền thông về Việt Nam cho người nước ngoài, kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài; cần coi công nghệ, chuyển đổi số là cơ hội với thông tin đối ngoại, một số hình thức truyền thông cần chuyển sang trực tuyến, ứng dụng thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, chatbot, trợ lý ảo để đa dạng hóa phương thức tiếp cận văn hóa, con người Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng góp ý thêm, cần tranh thủ phóng viên, chuyên gia, học giả quốc tế, kiều bào làm thông tin đối ngoại. Từ đó xây dựng lực lượng báo chí ở nước ngoài thân thiện với Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả trong công tác thông tin đối ngoại giữa Việt Nam với quốc tế.

Kết luận tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan bám sát nội dung trong Hướng dẫn số 111-HD/BTGTW ngày 11/8/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nội dung chỉ đạo, định hướng, thông tin chuyên đề tại hội nghị; nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam; xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch triển khai Kết luận số 57-KL/TW một cách hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn, đặc điểm tại cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại; huy động mọi nguồn lực trên cả ba phương diện nhân lực, vật lực, tài lực ở cả trong nước cũng như nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra tới năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phương An (T/H)