Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong) là khuôn khổ hợp tác kinh tế của 5 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương. Chiến lược hướng đến khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo đó, tại hội nghị, lãnh đạo các nước cùng nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của hợp tác ACMECS trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân tại tiểu vùng Mekong. ACMECS cũng góp phần quan trọng vào thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy kết nối trong ASEAN, thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/8/thu-tuong-20241108103006391.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhận định, những biến động phức tạp, khó lường trên thế giới đang đặt tiểu vùng Mekong nói chung và hợp tác ACMECS nói riêng trước những thách thức đa chiều về bất ổn kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai. Để ứng phó hiệu quả với thách thức và nắm bắt cơ hội mới, các nhà lãnh đạo thống nhất kiên trì thúc đẩy phát triển cân bằng, bao trùm, bền vững. ACMECS sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kết nối giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại nhằm đưa tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm hậu cần khu vực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo đó, lãnh đạo 5 nước nhất trí tăng cường hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, nhất là phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế; chia sẻ dữ liệu thủy văn; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Hội nghị đã thông qua Tài liệu khái niệm về quản lý nguồn nước tại tiểu vùng Mekong với mục tiêu tăng cường phối hợp chiến lược giữa các thành viên trong ứng phó với các thách thức ngắn và dài hạn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò trung tâm của ACMECS trong hợp tác tiểu vùng Mekong, là cấu phần không thể thiếu của Cộng đồng ASEAN, cửa ngõ kết nối ASEAN với Đông Bắc Á, Đông Nam Á và là cầu nối giữa Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Thủ tướng đề xuất 6 nội dung trọng tâm để hợp tác ACMECS bứt phá trong giai đoạn tới gồm: tư duy gắn kết hành động, bảo đảm thông suốt từ xây dựng chiến lược đến triển khai thực tế; truyền thống gắn kết hiện đại, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế truyền thống với lĩnh vực công nghệ mới, hiện đại; tăng trưởng nhanh gắn kết bền vững với trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh hợp tác giữa 5 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của người dân giữa 5 nước, đơn giản hóa, hài hòa hóa các thủ tục, tập trung phát triển hạ tầng giao thông để kết nối nội vùng và liên vùng, nhất là hệ thống đường sắt, đường cao tốc; gắn kết Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; gắn kết giữa phát triển với duy trì ổn định, bảo đảm an ninh.
Những nhận định và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được hội nghị đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và chứng kiến chuyển giao vai trò Chủ tịch ACMECS giữa Lào và Myanmar.