Tổng công ty Điện lực miền Nam Vươn dài phát triển dòng điện

Chủ nhật, 30/4/2017 | 08:48 GMT+7
Ra đời ngay sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; giữ vững dòng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

Truyền thống vẻ vang

Trải qua 42 năm xây dựng, phát triển và đổi mới, đến nay, EVN SPC đã trở thành tổng công ty mạnh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Một cán bộ lão thành của ngành điện phía Nam cho biết: 7 giờ 30 sáng ngày 1/5/1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam tại số 72 Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh) để chỉ đạo việc tiếp quản. Nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, bảo đảm việc tiếp quản và sinh hoạt của thành phố.

Sau giải phóng, hệ thống điện của miền Nam rất thô sơ, nhỏ bé, nguồn điện chỉ có một số nhà máy nhiệt điện như Thủ Đức, Chợ Quán, Trà Nóc; thủy điện thì có Đa Nhim… cung cấp lượng điện khoảng 1,3 tỷ kWh/năm. Việc cung cấp điện lúc đó vô cùng khó khăn do tình trạng nguồn và lưới điện chắp vá, nghèo nàn. Nhiều vùng, nhất là nông thôn, chưa hề có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún. Lưới truyền tải 230kV, 66kV vận hành độc lập theo các vùng miền Đông, miền Tây và cao nguyên; các nhà máy phát điện thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng thay thế. Công ty Điện lực 2 lúc bấy giờ phải tập trung vào phục hồi hệ thống lưới điện như: bảo dưỡng các nhà máy điện, sửa chữa tuyến đường dây 220kV Đa Nhim - Sài Gòn… để bảo đảm vận hành và nâng cao khả năng cung cấp điện ở miền Nam.

Sau năm 1975, ngành điện bước đầu cấp điện vùng nông thôn, chủ yếu phục vụ bơm tưới tiêu. Từ năm 1995, các công trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển và phục vụ rộng khắp đến các vùng sâu, miền núi và hải đảo, nâng tỷ lệ số hộ dân có điện từ 2,5% năm 1975 lên 37,08% vào năm 1995.

Từ năm 1995 đến nay, ngành điện phía Nam đã phát triển mạnh mẽ và liên tục; đặc biệt từ khi đường dây 500kV Bắc - Nam vận hành; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm từ năm 1995 - 2016 luôn cao hơn so với bình quân của cả nước.

Không ngừng phát triển

Trải qua quá trình phát triển, lưới điện, cơ sở vật chất và kỹ thuật của EVN SPC đã vươn rộng và trải dài khắp 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Đến năm 2016, EVN SPC quản lý 40 trạm biến áp (TBA) 220kV với tổng dung lượng 23.205MVA, 314 tuyến đường dây 110kV tổng chiều dài 5.197km; 190 TBA 110kV tổng dung lượng 14.136MVA cùng hàng trăm nghìn km đường dây trung, hạ thế…

Trong mọi hoàn cảnh, tổng công ty luôn bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh phía Nam ở mức cao nhiều năm liên tục. Sản lượng điện thương phẩm năm 2016 đạt gần 55 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong 5 năm gần đây là 11,66%/năm, mức sử dụng điện bình quân trên người dân trên 1.600kWh/người/năm, tăng 28 lần so với năm 1975 và cao hơn mức bình quân chung của cả nước là  1.400kWh/người/năm.

Đặc biệt, những năm gần đây, EVN SPC nỗ lực đổi mới căn bản hệ thống quản lý, tác phong và tư duy làm việc; nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. Cán bộ, công nhân viên đổi mới trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy thân thiện với khách hàng; triển khai Trung tâm chăm sóc khách hàng, tiếp nhận mọi thông tin về nhu cầu và cung cấp 38 dịch vụ cho khách hàng sử dụng điện; thực hiện cải cách, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian tiếp cận điện của khách hàng. Hiện, khách hàng mua điện hạ áp 2,264 ngày/3 ngày ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, 2,36/5 ngày khu vực nông thôn và 3,374/7 ngày cho nhu cầu sản xuất.

Bên cạnh việc đầu tư, bảo đảm nguồn điện an toàn, ổn định cho các đô thị, trung tâm kinh tế, EVN SPC tăng cường đầu tư các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đó là dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đã tạo động lực đột phá cho Phú Quốc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch (hiện đang chuẩn bị thi công mạch 2 Hà Tiên - Phú Quốc). Dự án cấp điện nông thôn, miền núi hải đảo cho 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh trong khu vực; đầu tư điện lưới quốc gia cho các đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ (tỉnh Kiên Giang) để phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo; dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang…; cải thiện và nâng cao đời sống của hàng vạn hộ nghèo.

EVN SPC liên tục đầu tư lưới điện; mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện. 100% xã, phường và thị trấn ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã có điện. Đến nay, toàn tổng công ty có 2.510/2.510 xã, phường thị trấn có điện (đạt tỷ lệ 100%); số hộ dân có điện gần 7,5 triệu hộ (đạt tỷ lệ 99,4%); trong đó, số hộ dân nông thôn có điện là 5,04 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,09%.

 

Nguồn: Báo Công Thương