Năng lượng sạch

“Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn”

Chủ nhật, 30/4/2017 | 09:24 GMT+7
Bộ phim tài liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” (Vietnam, Les 30 jours de Saigon) của đạo diễn người Pháp Jean-Pierre Moscardo chính thức lên sóng VTV trong dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với nhiều người Việt Nam thì cái tên Jean - Pierre Moscardo không được quen thuộc cho lắm, nhưng trong giới báo chí phương Tây, đặc biệt là số ít những người trụ lại Sài Gòn những ngày tháng 4 máu lửa thì Jean-Pierre Moscardo hoàn toàn không xa lạ. Đáng nói hơn, ngay ở thời điểm cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang vào những thời khắc khốc liệt nhất ở nửa sau thập niên 60 của thế kỷ XX, khi đang ở độ tuổi sung sức nhất của nghề nghiệp (ông sinh năm 1938), Jean-Pierre Moscardo cùng nhiều đồng nghiệp khác đã ngang dọc cả hai bên chiến tuyến để ghi lại những thước phim, tấm hình chân thực của cuộc chiến cho dẫu những tác phẩm báo chí chiến tranh đó có thể phải đổi bằng mạng sống của chính mình.

Trở lại bộ phim “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn”, có thể nói đây là bộ phim tài liệu đầu tiên trên thế giới phản ánh trực diện những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam khi được công chiếu trên truyền hình Pháp vào ngày 5/6/1975. Hơn 4 thập kỷ nằm trong kho lưu trữ của Viện Phim quốc gia Pháp, nhưng những thước phim màu vẫn hết sức rõ nét và phần âm thanh cực kỳ sống động cho thấy ê kíp làm phim của Jean -Pierre Moscardo sở hữu và làm chủ được công nghệ phim tốt nhất thời bấy giờ.

Với thời lượng hơn 1 giờ, khán giả xem phim gặp lại Việt Nam, đặc biệt là vùng chuẩn bị giải phóng trong suốt những ngày cuối cùng của chiến tranh. Đó là các tư liệu hình ảnh sống động được người làm phim của Pháp ghi nhận từ bên kia chiến tuyến: Sự chuyển hướng của quân đội miền Nam Việt Nam, kiểm soát an ninh ngặt nghèo, đoàn người di cư hỗn loạn khắp nơi, kể cả những chuyến bay đón dòng người bất tận đã trực sẵn trên nóc nhiều tòa nhà ở Sài Gòn đợi đến lượt được di tản…

Sài Gòn ngày giải phóng qua các thước phim tư liệu trở lại bằng hình ảnh như những ký ức sống động. Đó không chỉ là hình ảnh những đoàn giải phóng quân Việt Nam tiến vào Sài Gòn, những chiếc xe tăng đầu tiên, những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, mà còn có khá nhiều góc máy cận cảnh về từng con người có mặt tại Dinh trong sự kiện lịch sử đặc biệt này.

Jean-Pierre Moscardo miêu tả trước ngày 30/4 khoảng hai tuần, người dân không còn mang vẻ khiếp sợ, thay vào đó là những hy vọng về một nền hòa bình. Đạo diễn đã ghi lại nhiều thước phim chân thực về các cuộc biểu tình đòi người Mỹ rút khỏi Sài Gòn, hình ảnh người dân phá tượng đài lính Mỹ. Ông cũng miêu tả trực diện nỗi sợ hãi của quân đội Mỹ ở Sài Gòn hay cảnh ngày 29/4, trước Đại sứ quán Mỹ, các cán bộ nước ngoài và thân nhân của họ thấp thỏm chờ hàng trăm chiếc trực thăng đáp xuống để đưa họ trở về Mỹ.

Sau khi Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa - bàn giao chính quyền cho quân Giải phóng, Sài Gòn bắt đầu công cuộc dọn dẹp. Jean-Pierre Moscardo đặc tả cảnh học sinh, sinh viên làm sạch thành phố. Lời bình trong phim nhận định đây là hình ảnh vừa thực tế vừa mang tính biểu trưng.

Sài Gòn những ngày mới giải phóng dưới góc nhìn của những người làm phim Pháp cũng mới lạ hơn so với nhiều bộ phim tư liệu khác. Ở đó, Sài Gòn không hẳn chỉ đậm đặc cờ hoa rực rỡ, các buổi diễu hành chào mừng chiến thắng, mà còn trở lại bằng khá nhiều thước phim về cuộc sống đời thường. Đó là những buổi hát mừng chiến thắng, những đoàn học sinh tự tổ chức quét dọn và canh gác đường phố Sài Gòn, những cậu bé mình trần vô tư đầm mình dưới dòng nước trong veo đang ngập đường phố…

Đánh giá về bộ phim, ông Hoàng Trường - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (cơ quan đã mua bản quyền và đưa được bộ phim này về Việt Nam) - cho biết, chúng ta chưa có phim nào do người nước ngoài cung cấp về giai đoạn 1975. Vì vậy, tư liệu trong bộ phim này rất quý giá, không chỉ đối với sự kiện năm 1975 mà còn có ý nghĩa thời sự cho tới ngày nay. Những thước phim này cũng giống như bộ nhớ, ký ức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.

 

PV