Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tích cực tham gia quá trình xanh hóa các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp.
Phó Thủ tướng đã gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các hợp tác xã chuyển đổi sản xuất xanh, hướng tới tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng vừa quản lý vừa kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tập thể sản xuất kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể; tăng cường thúc đẩy tài chính xanh và thu hút vốn đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải phát huy vai trò đại diện nòng cốt, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của khu vực kinh tế tập thể về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, nhiệm vụ chuyển đổi xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và hướng dẫn nghiệp vụ cho các quỹ hợp tác xã địa phương, nghiên cứu tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Đặc biệt, Phó Thủ tưởng đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao mở rộng và vươn ra các thị trường quốc tế.

Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2025 có chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững”
Đối với các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động vượt qua những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động; tăng cường đầu tư vào chuyển đổi xanh, công nghệ xanh và chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm cạnh tranh tốt hơn cũng như đáp ứng xu hướng mới của thị trường tiêu dùng; xác định nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng hợp tác xã bắt tay ngay vào những việc làm, dự án cụ thể, giúp khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, bắt kịp, tiến cùng với các thành phần kinh tế khác, tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ tương lai, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng.
Thông tin tại diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu.
Hiện cả nước có trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp - chiếm hơn 64% tổng số hợp tác xã với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, hợp tác xã. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp tại khu vực này.