Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phú Yên cùng đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về liên kết, hợp tác phát triển kinh tế biển, kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển vùng, liên kết vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, là xu thế tất yếu, động lực kết nối, dẫn dắt sự phát triển của các địa phương.
Ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; công nghiệp đóng tàu; du lịch biển; ứng dụng khoa học công nghệ về khai thác, quản lý kinh tế biển; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hợp tác phát triển kinh tế biển bền vững tại các tỉnh Nam Trung Bộ
Hiện việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng đã từng bước được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; một số tỉnh đã có hạ tầng về cảng biển, sân bay, khu kinh tế nhưng các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lặp dẫn đến cơ cấu đầu tư còn dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao; chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết đồng bộ; phần lớn hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng chỉ dừng lại ở việc tham quan, hội thảo chứ chưa phát triển thành những hoạt động liên kết thực tế, mang tính chiều sâu và toàn diện.
Do đó, để đưa khu vực Nam Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, mạnh về kinh tế biển, các địa phương cần có sự đồng hành, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Việc ký kết thành công thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa ba tỉnh sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, là cầu nối để cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm, mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, cả ba tỉnh đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn do vậy cần hợp tác xây dựng các tour du lịch kết nối chung. Bên cạnh đó, Khánh Hòa là nơi tập trung của các cơ quan nghiên cứu khoa học, có nhiều kinh nghiệm về hải dương, có các cơ sở đào tạo về kinh tế biển. Vì vậy, ba tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác phát huy những lợi thế biển, nhất là phát huy hiệu quả trong khai thác các nguồn lợi từ biển như khai thác, đánh bắt hải sản, hợp tác nuôi biển sâu, đào tạo nguồn nhân lực khai thác nguồn lợi từ biển… Qua đó, cả ba tỉnh phấn đấu trở thành các tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Tại hội nghị, lãnh đạo ba tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Phú Yên đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác kinh tế - xã hội. Đồng thời, Hội doanh nhân trẻ và Hiệp hội du lịch của ba địa phương cũng tổ chức trao biên bản hợp tác. Trong đó, chú ý bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị truyền thống văn hóa và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tập trung vào các hoạt động liên kết phát triển bền vững kinh tế biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển…