Quy chế này quy định nguyên tắc làm việc; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; hình thức làm việc, chế độ báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia; hoạt động của các Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các hình thức làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia bao gồm: phiên họp toàn thể, cuộc họp và cho ý kiến bằng văn bản.

Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên toàn thể lần thứ nhất vào ngày 9/7 vừa qua. (Ảnh: quochoi.vn)
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia:
Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia lãnh đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng bầu cử quốc gia; phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch, các thành viên và chỉ đạo hoạt động của các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; ký các văn bản, quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, thay mặt Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết công việc khi được phân công, ủy quyền.
Các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về chế độ họp, Hội đồng bầu cử quốc gia họp theo chương trình làm việc để đánh giá tiến độ, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử. Phiên họp toàn thể của Hội đồng bầu cử quốc gia được tổ chức công khai và phải bảo đảm ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự. Trường hợp thành viên Hội đồng không tham dự được phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Phiên họp bất thường được tổ chức khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia có thể họp nội bộ do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.
Căn cứ nội dung phiên họp, Hội đồng bầu cử quốc gia mời đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan dự họp và phát biểu ý kiến khi được yêu cầu. Tài liệu phục vụ phiên họp phải được gửi đến thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là hai ngày trước ngày họp, trừ phiên họp bất thường.
Nội dung phiên họp được ghi biên bản, có thông báo kết luận hoặc ban hành nghị quyết khi cần thiết. Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên tán thành. Hình thức biểu quyết do Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.
Sau mỗi phiên họp, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm dự thảo thông báo kết luận và hoàn thiện các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia; giúp Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền làm thông cáo báo chí về nội dung phiên họp. Thông cáo báo chí được đăng trên trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nghị quyết còn quy định cụ thể về các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, xin ý kiến bằng văn bản, chế độ báo cáo, chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về tổ chức thực hiện, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trách nhiệm thi hành quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo về Hội đồng bầu cử quốc gia để xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và được áp dụng trong toàn bộ quá trình chuẩn bị, tổ chức, tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.