Trong nước

Bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025

Thứ năm, 10/7/2025 | 16:17 GMT+7
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 gồm dự án: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (thay thế).

Ngày 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề xuất bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp gồm: dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).

Về trình tự, thủ tục xây dựng, Chính phủ đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) và Luật Thương mại điện tử theo trình tự, thủ tục thông thường; đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Quang cảnh phiên họp

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật trên vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Để nâng cao chất lượng văn bản và thực hiện đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị các cơ quan tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy trình xây dựng pháp luật, chỉ đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp thực sự cần thiết và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại điều 50 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị tiếp tục áp dụng như thông lệ từ trước đến nay. Đối với các dự án luật sửa đổi toàn diện để thay thế luật hiện hành thì gọi là luật (sửa đổi), đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì tên luật cũng phản ánh đúng phạm vi sửa đổi, bổ sung.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chỉ còn kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, tất cả những dự án luật trình nên gói gọn và quyết định tại kỳ họp thứ 10. Nếu cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng thì sẽ trình các dự án luật theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Liên quan đến việc xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về pháp lý là hoàn toàn khác nhau, không thể coi là tương đồng với nhau.

Sửa đổi một số điều hoặc sửa toàn diện thì cũng là sửa đổi, giữ nguyên văn bản gốc chỉ bổ sung điều chỉnh một phần nội dung của luật đó. Sau khi sửa đổi, luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn luật thay thế nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ và luật cũ không còn giá trị pháp lý.

Hải Long (t/h)