Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, vật tư nông nghiệp, sách giáo khoa… Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá.
Rà soát, có giải pháp cụ thể thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ, những dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: chủ động, khẩn trương phối hợp với các cơ quan, địa phương và Hội đồng Tư vấn chính sách, trên cơ sở dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, kinh nghiệm 4 năm vừa qua (nhất là thực tiễn tăng trưởng quý III và quý IV) xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm quý III và quý IV/2025, trong đó xác định rõ dư địa của các động lực tăng trưởng, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của các địa phương theo đơn vị hành chính mới, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% trở lên; báo cáo Chính phủ trong tháng 7/2025.
Theo dõi sát diễn biến giá cả, thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát để có giải pháp điều hành giá phù hợp.
Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, mở rộng cơ sở thu; quyết liệt thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh tế số, kinh doanh xuyên biên giới, dịch vụ ăn uống, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh… phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng 20% so với dự toán.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: VGP)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…
Các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: thực hiện nghiêm quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025… Tăng tốc, tập trung xây dựng, thực thi, huy động tổng đầu tư toàn xã hội của năm 2025 tăng từ 11 - 12% so với năm 2024.
Phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 751 về giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án và các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, làm việc với các địa phương, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Khẩn trương rà soát các dự án, công trình đủ điều kiện khởi công hoặc khánh thành vào ngày 19/8/2025 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, gửi Bộ Xây dựng trước ngày 15/7/2025…
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: theo dõi tình hình, biến động giá cả, nguồn cung vật liệu xây dựng, đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu xây dựng ổn định, nhất là vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án; kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án ứng phó cụ thể…
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tạo động lực trực tiếp cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm (điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày…) mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, bảo đảm cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa qua nền tảng số, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về xúc tiến thương mại giai đoạn 2025-2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025.
Phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả (nhất là mặt hàng sữa, thuốc, thực phẩm), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm những hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ… Kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng vào Việt Nam, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu; ưu tiên thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; hài hòa hóa các quy định về hải quan, kiểm tra chuyên ngành; xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội về điều kiện xuất nhập khẩu…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Quốc tế hóa văn hóa bản sắc dân tộc, dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới. Chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức tốt các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chương trình giải trí với nội dung tích cực, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và đoàn kết dân tộc, chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về: đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; hoàn thành trong tháng 7/2025; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi Nghị quyết được ban hành.
Bộ Nội vụ xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Việc làm (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia; xử lý hiệu quả các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng; quyết liệt thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm hiệu quả, thông suốt, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Triển khai việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã và Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 118/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 của Chính phủ. Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đối với 324 thủ tục hành chính có thể sử dụng thông tin giấy tờ tích hợp vào VneID thay thế giấy tờ yêu cầu trong thành phần hồ sơ và 200 thủ tục hành chính có thể tái sử dụng dữ liệu hộ tịch và dữ liệu đất đai đã được số hóa, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Đẩy nhanh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông, cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất… Khẩn trương xử lý những dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài để giải phóng nguồn lực, sớm đưa vào sử dụng…
Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 15422-CV/VPTW ngày 16/6/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ để phân loại, rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc, trong đó phân loại rõ phương án xử lý: các dự án đã có kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và bản án; các dự án thiếu sót về trình tự, thủ tục trong quá trình triển khai hoặc vướng mắc về cơ chế pháp luật; các dự án có vi phạm nhưng chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại thông báo số 334/TB-VPCP ngày 28/6/2025 của Văn phòng Chính phủ…
Các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành kế hoạch hoạt động; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển.
Bộ Quốc phòng chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, nắm chắc, dự báo sát tình hình trên không, trên biển đảo, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng, các điểm nóng xung đột quân sự trên thế giới; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến độc lập, chủ quyền, biên giới, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định an ninh, chính trị, lợi ích quốc gia; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; phấn đấu kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ và phòng, chống ma túy.
Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình đối ngoại cấp cao năm 2025 và tham mưu điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu chính trị đối ngoại trong 6 tháng cuối năm. Tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài, tạo lập những đột phá mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn phát sinh trong quan hệ.