Bản tin môi trường số 2/2022

Thứ hai, 10/1/2022 | 10:48 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã công bố, giới thiệu Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia.

Công bố Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất

Báo cáo là một trong nhiều nhiệm vụ thuộc Quyết định số 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 và trên cơ sở thực hiện Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.

Theo Bộ TN&MT, đây là lần đầu tiên Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia được công bố, trên cơ sở thực hiện Luật Khí tượng thủy văn năm 2015. Báo cáo nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, người dân hiểu rõ hơn đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu trên toàn quốc; phân tích, làm rõ tác động của BĐKH đối với thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội; nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam.

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia

Đồng thời, báo cáo là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương, hỗ trợ các nhà quản lý, người dân hiểu rõ hơn đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu trên toàn quốc; phân tích, làm rõ tác động của BĐKH đối với thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội; nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam; khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch hoạt động cho phát triển.

Theo đó, Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia đưa ra những thông tin cơ bản về đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu, khí hậu cực đoan, xu thế và tác động của BĐKH, đánh giá sự phù hợp và mức độ sử dụng của kịch bản BĐKH cũng như hiệu quả của các hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Báo cáo gồm 4 chương, lần lượt là: Dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam; Mức độ phù hợp của kịch bản BĐKH và việc sử dụng kịch bản BĐKH trong hoạt động ứng phó; Tác động của BĐKH; Kết quả của hoạt động ứng phó với BĐKH.

Phát động phong trào thi đua ngành tài nguyên môi trường năm 2022

Mới đây, Bộ TN&MT đã phát động phong trào thi đua toàn ngành TN&MT năm 2022 với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả”.

Theo công văn số 8240/BTNMT-TĐKTTT của Bộ TN&MT, sự kiện nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, từ đó tạo quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT hưởng ứng phong trào thi đua toàn ngành năm 2022

Các nội dung của phong trào gồm thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thông qua phong trào, ngành TN&MT thi đua thực hiện chuyển đổi số; phát triển Chính phủ số, hạ tầng số, dữ liệu số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong công tác chỉ đạo điều hành, kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp; nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; củng cố và hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường, đổi mới sáng tạo.

TPHCM sử dụng AI để dự báo, ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu

Bên cạnh việc xây mới các công trình chống ngập, TPHCM còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác dự báo, ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, triều cường đã ngày càng gia tăng về tần suất và lượng nước trên các tuyến phố ở TPHCM, gây tình trạng ngập nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của nhiều người dân.

Ứng dụng AI trong cảnh báo và giám sát ngập nước

GS. TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, để chống ngập hiệu quả, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, thoát nước, ngăn triều, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, trong đó có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc vận hành, cảnh báo và giám sát ngập nước.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập thông qua camera, nhóm các chuyên gia tại Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh tại TPHCM.

Trong đó, nhóm hoàn thiện các mô hình dự báo, cảnh báo mưa và ngập theo mô hình điện toán về thủy văn, thủy lực kết hợp sử dụng AI trên cơ sở dữ liệu được trích xuất từ nhiều đơn vị khí tượng thủy văn. Đồng thời đưa vào vận hành thành công hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS và ứng dụng trên thiết bị di động.

Kim Bảo