Bản tin môi trường số 23/2023

Thứ hai, 26/6/2023 | 08:51 GMT+7
Mới đây, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh việc tôn trọng và thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên UNCLOS.

Việt Nam tái khẳng định cam kết thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển

Theo báo cáo, sức khỏe của đại dương tiếp tục suy giảm do nhiều tác nhân, trong đó có tăng a xít hóa đại dương, thừa dưỡng chất trong nước biển, ô nhiễm rác thải nhựa, đe dọa hệ sinh thái lớn nhất hành tinh và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng tỉ người. Qua đó, kêu gọi những hành động khẩn cấp để ứng phó các thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có xây dựng năng lực, phát triển đối tác phát triển nền kinh tế biển bền vững và giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo. Do đó, cần động lực mới cho nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tăng cường thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước và các Hiệp định thực thi văn kiện này.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, 40 năm qua, UNCLOS với vai trò “Hiến pháp của đại dương” là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển; Công ước và các Hiệp định thực thi đã đóng vai trò nền tảng cho hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển.

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh việc tôn trọng và thực thi UNCLOS

Việt Nam tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng biển được thiết lập theo Công ước và nhận định đây là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông. Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan kiềm chế và tránh thực hiện các hoạt động gây phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng.

Tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), đoàn Việt Nam mong muốn ITLOS sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị của Ủy ban các quốc đảo Thái Bình Dương xin ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế, qua đó làm sáng tỏ nghĩa vụ của các quốc gia về bảo vệ môi trường biển, trên cơ sở cân nhắc quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. Đoàn Việt Nam cũng thông báo với Hội nghị ý định đệ trình quan điểm quốc gia lên ITLOS về vấn đề này.

Hợp tác quản lý và phát triển rừng bền vững với Hàn Quốc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) Nam Sung Hyun về quan hệ hợp tác lâm nghiệp bền vững.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa hai nước, nhất là các chương trình tài trợ của Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc và đoàn công tác

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Việt Nam hiện đang xây dựng đề án “Phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” với tư duy rộng hơn của nền sinh thái đa giá trị. Trong khi đó, Hàn Quốc là đất nước đi vào công nghiệp hóa sớm và có nhiều bước tiến trong khoa học công nghệ quản lý, phát triển rừng. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự hỗ trợ và đồng hành của phía Hàn Quốc thông qua chương trình hợp tác sắp tới để đưa đề án vào triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong việc phát huy vai trò của rừng, do vậy mong rằng sẽ nhận được hỗ trợ từ Hàn Quốc để Việt Nam sớm xây dựng sinh kế rừng bền vững gắn với cảnh quan và du lịch bản địa, đặc biệt cho vùng miền núi phía Bắc; tạo giá trị của hệ sinh thái rừng cho phúc lợi công cộng. Bộ trưởng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở một số địa phương còn quỹ đất; chuyển đổi hệ thống canh tác thủy sản truyền thống sang canh tác bền vững dưới tán rừng ngập mặn; thí điểm cấp tín chỉ carbon rừng ngập mặn; chuyển đổi hệ thống canh tác thủy sản bền vững dưới tán rừng.

Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự

Ngày 20/6, Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự, trong đó lựa chọn phương án lập Quỹ phòng thủ dân sự trước khi có thảm họa, sự cố.

Quỹ được ưu tiên thực hiện các hoạt động: cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự trước thảm họa, sự cố

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Việc điều tiết giữa Quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách.

Luật được Quốc hội thông qua quy định phòng thủ dân sự có 3 cấp độ. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2 trên địa bàn quản lý; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.

Việt Nga