Bản tin môi trường số 22/2023

Thứ hai, 19/6/2023 | 10:24 GMT+7
Mới đây, Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan khai mạc tại Đà Nẵng.

Khai mạc Hội nghị thường niên Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thúc đẩy chủ đề tự ứng phó và tăng cường khả năng chống chịu tại ASEAN, tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai. Năm 2023 là năm kỷ niệm 20 năm thành lập ACDM. Ủy ban bao gồm các cơ quan quản lý thiên tai từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN; được thành lập nhằm đưa ra định hướng chiến lược về cách thức và phương tiện tăng cường quản lý thiên tai trong toàn bộ khu vực ASEAN. Thông qua sự điều phối của ACDM, công tác hợp tác quốc tế về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN đã đạt được nhiều kết quả trên tầm cao mới.

Khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thông tin về tiến trình đánh giá giữa kỳ thực hiện khung hành động SENDAI về giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Việt Nam, đặc biệt là khung pháp lý hợp lý về quản lý rủi ro thiên tai.

Trong buổi làm việc, hội nghị tập trung thảo luận về nội dung: cập nhật tiến độ thực hiện chương trình công tác Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021 - 2025; rà soát các tiến độ xây dựng và triển khai các văn kiện, cơ chế, hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai như: Chiến lược khu vực ASEAN về khắc phục hậu quả thiên tai (2023 - 2024); sáng kiến của thanh niên ASEAN vì một khu vực chống chịu thiên tai; khung truyền thông rủi ro thiên tai ASEAN; quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; chuẩn bị công tác diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai (ARDEX) 2023 tại Indonesia…

Thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo kỹ thuật “Đánh giá và thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam”. Hội thảo là một phần của dự án Mạng lưới Dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học” (BES-Net) giai đoạn II, nhằm xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và chuẩn bị đề án thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon đối với hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước.

Thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam

Tại hội thảo, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam Đào Xuân Lai cho biết, chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên ở hơn 60 quốc gia. Ở Việt Nam, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai thành công trong hơn một thập kỷ qua, góp phần tăng nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng. Những bài học kinh nghiệm từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, trong đó có môi trường biển và đất ngập nước.

Dịp này, các báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị chính trong khuôn khổ dự án BES-Net giai đoạn II, bao gồm xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước quốc gia; hỗ trợ đánh giá và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái ở cấp cơ sở; lập bản đồ hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở Việt Nam; xây dựng hướng dẫn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở đề án cơ chế chi trả, thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với hệ sinh thái biển và đất ngập nước, hoàn thiện chính sách, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, trọng tâm là hệ sinh thái biển và đất ngập nước.

Phát triển thị trường carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam

Mới đây, trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tại Paris (AVSE) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam”.

Phát triển thị trường carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả chất lượng và số lượng của rừng ngập mặn trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng do áp lực từ việc phát triển kinh tế - xã hội và nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế. Việc tham gia thị trường carbon rừng ngập mặn không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các chính sách giảm phát thải mà còn có thể tạo ra ưu thế cạnh tranh cho những hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm thủy hải sản, khi các thị trường xuất khẩu đang hướng tới chỉ lưu hành các sản phẩm phát thải thấp và thân thiện với môi trường.

Các đại biểu tham gia hội thảo cùng được nghe các thông tin về đề án Thành lập thị trường carbon tại Việt Nam; những cập nhật về thị trường carbon thế giới, quy định hiện hành về thị trường carbon nói chung, tổng quan thị trường carbon rừng tại Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi triển khai thị trường carbon rừng tại Việt Nam, giúp hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức trong việc hiện thực hóa, vận hành các chương trình, dự án, thị trường carbon rừng và carbon rừng ngập mặn tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, hơn 200 đại biểu đã được tham gia khóa đào tạo “Thiết kế, thực hiện chính sách và dự án carbon rừng ngập mặn hiệu quả, hiệu ích, công bằng” nhằm hỗ trợ Việt Nam và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thiết kế và thực hiện dự án carbon từ rừng ngập mặn hiệu quả để có thể tiếp cận nguồn tài chính bền vững.

Kim Bảo